Phát huy thành tựu 40 năm đổi mới đưa Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới tại Thủ đô Hà Nội cho biết, nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới có tầm quan trọng rất đặc biệt để nhìn nhận chặng đường đã qua, rút ra những bài học để kế thừa và tiếp tục đường lối, chủ trương trong giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy Hà Nội

Yêu cầu thực hiện đổi mới như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đây là nguyên tắc rất quan trọng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế và lý luận. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam và giao các cơ quan, đơn vị và địa phương tham gia tổng kết, trong đó có Hà Nội.

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết của Thành phố, phân công nhiệm vụ thành viên; thành lập các Nhóm tổng kết, Tổ biên tập và giao nhiệm vụ cho các nhóm xây dựng Báo cáo chuyên đề để tổng hợp thành Báo cáo tổng kết chung.

Sau một thời gian thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo tổng kết của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng Báo cáo của cả 8 chuyên đề, bao gồm cả Chuyên đề 01 về Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến Việt Nam qua 40 năm đổi mới và sự phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối đổi mới.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã hoàn thiện và ban hành Báo cáo số 558-BC/TU ngày 27/3/2024 tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (dài 120 trang).

Hội nghị tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, báo cáo tổng kết đã đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về nhận thức của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới; về những thành tựu; chỉ ra những kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; rút ra 8 bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, đề xuất quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới ở Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua 40 năm thực hiện con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô Hà Nội được thể hiện tập trung trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội từ khóa X đến khóa XVII.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội là không dài; song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ Thành phố coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.

Hội nghị tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày báo cáo tại Hội nghị

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Sau gần 40 năm đổi mới, trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ…

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7%. Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tội phạm và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, tạo môi trường xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn.

Từ vị trí phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ yếu là thủ đô của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm tìm kiếm các nguồn lực viện trợ phát triển; đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…

Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra 3 nhóm hạn chế, khuyết điểm mà Thành phố nhận định cần tập trung giải quyết, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị có mặt còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chưa xứng tầm yêu cầu sự nghiệp đổi mới.

Hội nghị tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Quang cảnh Hội nghị

Để tiếp tục phát triển bền vững, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Thành ủy Hà Nội xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Thủ đô trong từng giai đoạn. Thành phố cũng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới…

Hà Nội đề xuất, kiến nghị 9 nhóm vấn đề với Trung ương. Trong đó, có nghiên cứu sâu và cụ thể, xác định rõ các tiêu chí về tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam, về các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; tiếp tục nghiên cứu những tiêu chí cụ thể của con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…; đồng thời đề xuất tiếp tục làm sáng tỏ lý luận về Đảng cầm quyền để thực sự đổi mới trong thực tiễn, tạo động lực cho quá trình đổi mới.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích