Phân cấp, gỡ vướng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 16/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tổ về dự thảo “Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết: Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định “Hội đồng nhân dân (cấp huyện) được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Với phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này và kiến nghị Quốc hội sớm ban hành một Nghị quyết riêng để tháo gỡ những khó khăn này, thay vì ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế đặc thù cho các địa phương, lĩnh vực khác nhau.

Phân cấp, gỡ vướng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) nhìn nhận, các Chương trình mục tiêu quốc gia được đưa ra xem xét lần này, đặc biệt là Chương trình thực hiện theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đều rất có ý nghĩa, rất nhân văn. Nhưng, thời gian qua, do phân bổ vốn khó khăn dẫn đến tiến độ giải ngân của cả 3 Chương trình đều không đạt mục tiêu đề ra.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là rất cần thiết, thể hiện sự đồng hành kịp thời của Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện các Chương trình này.

Cơ bản thống nhất về việc ban hành Nghị quyết, tuy nhiên đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cách làm phải cân nhắc. Trước đây đã có chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng vì sao hiện nay lại cần có những cơ chế đặc thù này. Do đó, cần nhìn lại cả quá trình thực hiện, xem nguyên nhân từ đâu, do năng lực thực hiện hay do quy định pháp luật? Cùng đó, cần phải bóc tách rõ, nếu không nhìn rõ nguyên nhân thì có sửa cũng vẫn vướng mắc.

Phân cấp, gỡ vướng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, cần đánh giá lại toàn bộ Nghị quyết xem việc thực hiện thành công hay không, hay lại tạo ra khó khăn mới. “Khi Nghị quyết được ban hành, chúng ta phải tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương. Như vậy, năm 2025 chúng ta tổ chức thực hiện chưa chắc đã nhanh hơn việc hoàn thành các việc dở dang của Nghị quyết 5 năm trước đây.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ băn khoăn bản chất của Nghị quyết là thí điểm hay áp dụng ổn định? Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ chế áp dụng mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, với cơ chế thí điểm phân cấp, đại biểu cho rằng còn khoảng trống cần bổ sung để đảm bảo tính chặt chẽ khi phân cấp mạnh mẽ nhưng lại chưa có cơ chế kiểm soát đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mang tính “thí điểm” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, song các nội dung trong Nghị quyết chưa quy định rõ việc “thí điểm” ra sao.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) cũng như thời gian triển khai thực hiện, bởi hiện nay có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng thời gian thực hiện khác nhau. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong khi chương trình khác giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nếu như không có cơ chế bổ sung thì rất khó kiểm soát để phòng trừ nếu như xảy ra tiêu cực, trục lợi. Vì vậy, cần cơ chế giám sát một cách hợp lý…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích