Nhớ về anh Nhà báo Nguyễn Mẫn Nhuệ
Tốt nghiệp Trường Văn thư lưu trữ, sau đó được điều động về công tác tại ngành Bưu điện. Những năm 90 của thế kỷ trước, theo điều khoản ký kết về hợp tác lao động giữa nước ta với Liên Xô và các quốc gia Đông Âu cũ, vì thuộc diện gia đình người có công nên anh được cử sang Liên Xô lao động.
Về nước, sẵn mang trong mình dòng máu văn chương, vốn là họ hàng, dòng tộc của thi sĩ nổi tiếng Tản Đà, đã thế “định mệnh” xui khiến thế nào anh lại mua căn hộ ngay cạnh nhà của nhà báo Nguyễn Văn – Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô lúc bấy giờ, nên anh bắt đầu bén duyên với nghề báo từ đó.
Nhà báo Nguyễn Mẫn Nhuệ (đứng thứ năm từ trái qua) dẫn đầu đoàn cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô trong một lần hỗ trợ đồng bào Hà Tĩnh bị ảnh hưởng do mưa lũ. |
Tôi nhớ, khi đang là sinh viên khoa Báo chí – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, căn hộ chú em con bà cô mà tôi ở cùng tầng với căn hộ của bác Nguyễn Văn và anh Mẫn Nhuệ, nên thường đọc được những tác phẩm anh viết đăng trên Lao động Thủ đô với bút danh “Nguyễn Mẫn”…
Ra trường đi làm một số nơi, cuối cùng nhờ anh, tôi cũng tìm về bến đỗ “ngôi nhà” Lao động Thủ đô yêu dấu, khi đó anh trên cương vị Thư ký Tòa soạn. Nhớ thời học đại học, thầy giáo có dạy đại ý “tính cách một con người ngoài yếu tố thiên định còn phụ thuộc vào vùng miền, gia đình và xã hội”. Có lẽ vì thế, dù làm báo trong một giai đoạn kinh tế đang chuyển đổi, ai ai cũng đổ xô đi làm kinh tế, hối hả với nhịp sống đương đại thì khi trở thành Phó Tổng Biên tập, anh vẫn “bình tĩnh” với chất “kẻ sĩ” đất Hà Thành. Anh không quan tâm lắm đến vấn đề “thời cuộc” hay kinh tế mà chỉ quan tâm đến từng trang báo. Một số đồng nghiệp từng nhận xét, có lẽ anh toàn tâm được như vậy, giữ chất “sĩ phu” Bắc Hà được như thế là nhờ hậu phương có mẹ già và người vợ tảo tần. Khi cuộc sống không quá lo chuyện cơm áo, gạo tiền thì công việc chuyên môn sẽ được thăng hoa.
Nói về anh – nhà báo Nguyễn Mẫn Nhuệ, cả khi anh còn sống lẫn khi anh về miền cực lạc, những cán bộ đi trước như nguyên Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập: Nguyễn Đắc Trịnh, Nguyễn Văn, Trịnh Thị Lan Hương; Tổng Biên tập Lê Thị Bích Ngọc cùng các đồng nghiệp đều có chung nhận xét: “Anh là một Nhà báo cần mẫn – mẫn cán”!
Vào làm việc ở Báo từ những năm 1991, đến tháng 10/2019, theo quy định của Nhà nước anh sẽ nhận sổ hưu để an yên với tuổi già. Tuy nhiên, căn bệnh nan y đã đưa anh về miền cực lạc mà chưa kịp cầm quyển sổ hưu sau bao nhiêu năm cống hiến dẫu thời gian chỉ còn khoảng 3 tháng. Sinh thời, nhà văn Hemingway từng nói: “Con người nào rồi cũng sẽ kết thúc cuộc đời bằng cái chết. Chỉ có cách sống, cách ra đi là đặc điểm khiến người này khác biệt so với những người khác”! Vâng, anh không còn nữa, nhưng trong trái tim bao thế hệ đồng hành cùng anh trên mặt trận báo chí và trong ngôi nhà Lao động Thủ đô, anh luôn là người anh giản dị, gần gũi và đáng kính, một Nhà báo cần mẫn! |
Với anh sống là để viết, nghề báo là để làm báo. Bởi thế, dẫu khi đã trên cương vị Phó Tổng Biên tập, ngoài các công tác chuyên môn, anh vẫn say mê viết. Trên các số báo giấy ra hàng tuần anh phụ trách chuyên mục “Lăng kính đa chiều” với bút danh THIỆN TÂM. Đây là những bài viết thường theo hình thức đối thoại lẫn độc thoại để phản ánh, bình luận về một vấn đề thời sự đang được xã hội quan tâm, tạo nên một phong cách Nguyễn Mẫn Nhuệ không lẫn vào đâu được. Và đây cũng là một trong những chuyên mục được bạn đọc yêu thích. Các vấn đề anh đưa ra luôn nóng hổi với góc nhìn đa chiều nhưng ẩn dụ, gai góc…
Ở đời nghề nào cũng vất vả, song với báo chí đã bước chân vào nghề thì không được phép ngại khó, ngại khổ. Vì vậy, trong suốt mấy chục năm gắn bó với mái nhà Lao động Thủ đô, từ khi còn là phóng viên, đến khi trở thành Thư ký Tòa soạn rồi trên cương vị Phó Tổng Biên tập anh không nề hà bất kỳ vấn đề gì. Biên tập, viết bài, tham gia công tác quản lý và các công việc chuyên môn khác. Thậm chí, những tháng cuối cùng năm 2018, đầu năm 2019 cũng là những tháng ngày anh bị “giày vò” bởi bệnh tật, nhưng chưa rõ nguyên do, tóc bạc trắng, người sụt cân, mỏi mệt… nhưng anh vẫn “cần mẫn” làm việc”; vẫn lên Nhà in báo Nhân Dân trực xuất bản số báo Tết chào Xuân mới Kỷ Hợi 2019… Và đây cũng là số báo Xuân cuối cùng anh tham gia!
Là một trong những thế hệ đầu tiên, trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, để có một Lao động Thủ đô như ngày hôm nay là công sức của các thế hệ đi trước, trong đó có đóng góp không nhỏ của nhà báo Nguyễn Mẫn Nhuệ. Tại thời khắc đặc biệt, kỷ niệm 30 năm Ngày báo Lao động Thủ đô phát hành số báo đầu tiên, toàn thể cán bộ, phóng viên, người lao động, đặc biệt những thế hệ cùng đồng hành cùng anh trên những chặng đường gian khó xin cúi đầu tưởng nhớ và tri ân anh – nhà báo Nguyễn Mẫn Nhuệ – Thiện Tâm đáng kính. Cũng như tưởng nhớ đến người anh, “người lái xe” gắn bó từ những ngày đầu khi báo mới thành lập đến tận năm 2020 – anh Lưu Quốc Huy!
Nguồn: Báo lao động thủ đô