Nhiều trải nghiệm bổ ích về giáo dục thông minh đối với cán bộ, giáo viên
Để trường học trở nên thông minh hơn
Theo đó, được sự đồng ý UBND quận Long Biên, ngày 11/8 mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên đã tổ chức buổi hội thảo “Giáo dục thông minh” nhằm tập huấn, nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức trong việc áp dụng, triển khai giáo dục thông minh (GDTM), trường học thông minh tại các trường trên địa bàn quận.
Thông qua buổi hội thảo, gần 200 cán bộ quản lý, hiệu trưởng và nhân viên công nghệ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Long Biên đã được PGS. TS. Nguyễn Chấn Hùng thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, Chuyên gia GDTM trao đổi, chia sẻ về nội dung đề tài cấp Thành phố “Xây dựng và thí điểm mô hình GDTM đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thành phố Hà Nội”; những kiến thức, kinh nghiệm về GDTM; sự cần thiết phải chuyển đổi giáo dục truyền thống sang GDTM; khung lý thuyết vể GDTM tại thành phố Hà Nội; các yếu tố quan trọng trong lộ trình học tập GDTM… để từ đó có những chiến lược về phát triển GDTM, trường học thông minh tại đơn vị.
Theo PGS. TS. Nguyễn Chấn Hùng, để các trường học trên địa bàn TP Hà Nội nói chung cũng như tại quận Long Biên nói riêng trở nên thông minh hơn thì các trường cần bố trí nội thất và sắp đặt phù hợp với sư phạm thông minh, lấy người học làm trung tâm; có thiết bị thông minh; có phần mềm thông minh.
“Đặc biệt, các trường học cũng cần có khả năng cảm nhận, phân tích, dự đoán, cảnh báo về học sinh và giáo viên theo 6 mức độ (1. Thích nghi, 2. Cảm nhận, 3. Suy luận, 4.Tự học, 5. Dự đoán, 6. Tự tổ chức và tái cấu hình)…” – PGS. TS. Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ.
Trong thời gian hội thảo, các học viên còn được TS. Phạm Văn Tư, Chuyên gia tâm lý giáo dục – Đại học Sư phạm chia sẻ nội dung về tâm sinh lý học đường 4.0; Chuyên gia Nguyễn Thiện Anh chia sẻ về GDTM thông qua mô hình giáo dục STEAM và giáo dục sớm; tham gia vào hoạt động trải nghiệm các công nghệ phục vụ GDTM trong hội thảo.
Các học viên cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm; thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình để cùng với báo cáo viên làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích lũy nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Tập trung phát triển giáo dục thông minh
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên Vũ Thị Thu Hà cho biết, GDTM là xu thế mới của giáo dục hiện đại. Nhằm xây dựng quốc gia thông minh, nhiều quốc gia đã hướng đến xây dựng nền GDTM để đào tạo các thế hệ công dân thông minh. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.
“Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên đang rất quan tâm triển khai xây dựng, đẩy mạnh mô hình trường học thông minh nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội thông minh; kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, hướng tới xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh trên địa bàn” – bà Vũ Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên đề nghị trong thời gian tới, các nhà trường trên địa bàn tập trung xây dựng chiến lược phát triển GDTM, trường học thông minh tại đơn vị mình, trước mắt chia làm 3 nhóm các đơn vị triển khai thực hiện, cụ thể: Nhóm 1 (các trường chất lượng cao) sẽ triển khai hiệu quả các nội dung của đề tài từ năm học 2022-2023; Nhóm 2 (với 25 trường đã được công nhận trường học điện tử) triển khai thực hiện 50% nội dung của GDTM, trường học thông minh, phấn đấu đến năm 2026 đạt tiêu chí của GDTM, trường học thông minh; Nhóm 3 ( các trường còn lại) triển khai thực hiện một phần của GDTM, trường học thông minh, thí điểm lớp học thông minh.
Kết thúc hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp TP Hà Nội đã trao giấy chứng nhận cho 04 nhóm cán bộ quản lý, giáo viên tham gia nội dung thuyết trình “Xây dựng và thí điểm mô hình GDTM đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thành phố Hà Nội”.
Một số hình ảnh nổi bật tại hội thảo./.
“Muốn hiện thực hóa giáo dục thông minh thì có hai việc cần phải làm. Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa khái niệm này vào trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn tới để tạo hành lang pháp lý. Ngoài ra, giáo dục thông minh đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông thì phải làm rõ được chương trình giáo dục phổ thông mới tác động đến giáo dục thông minh như thế nào.Và những đóng góp của giáo dục thông minh với chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao” – PGS. Nguyễn Văn Minh , Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã (Văn phòng Chính phủ) chia sẻ.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu