Nhiều dư địa xuất khẩu gạo sang thị trường Senegal

Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cho biết Senegal là thị trường tiêu thụ nhiều gạo với khối lượng nhập khẩu từ 900.000 đến 1 triệu tấn, chủ yếu là gạo tấm 100% giá rẻ. Đây là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người cao nhất Tây Phi, khoảng 117 kg/người/năm.

Theo Trung tâm thống kê của Senegal, năm 2023, nhập khẩu gạo của Senegal đã đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch hơn 500 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và gần 13% về giá trị so với năm 2022.

Các nước cung cấp chính gồm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan, Uruguay, Việt Nam…. Ngoài phục vụ thị trường trong nước hơn 18 triệu dân, Senegal còn nhập khẩu gạo để tái xuất sang các nước láng giềng như Mauritania, Guinea-Bissau và Gambia.

1
Từ nhiều năm nay, Chính phủ Senegal đã thực hiện chính sách phát triển trồng lúa nước tuy nhiên chỉ đáp ứng được từ 25 – 30% nhu cầu trong nước. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Thông tin trên Vietnam+, về cơ chế, từ năm 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Senegal đã thực hiện chính sách phát triển trồng lúa nước để bảo đảm tự túc lương thực, tuy nhiên chỉ đáp ứng được từ 25-30%.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn với kim ngạch 5,35 triệu USD, tăng 215% so với năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.

Theo Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và Senegal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024, khả năng nước này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á. Tháng 3/2023, Ấn Độ đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 250.000 tấn gạo tấm sang Senegal. Quyết định này được xem là động thái hỗ trợ một số nước Tây Phi của Ấn Độ mặc dù nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và đánh thuế 20% với việc xuất khẩu các loại gạo khác kể từ tháng 9/2022.

Trong cuộc thảo luận về nông nghiệp tại cuộc họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 2/2024, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Thương mại Senegal đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Campuchia về việc nhập khẩu gạo từ quốc gia Đông Nam Á này.

Đầu năm 2022, trước tình trạng tăng giá lương thực, để giữ vững sức mua của người dân, Chính phủ Senegal đã đưa ra một loạt biện pháp trong đó có loại bỏ thuế VAT đối với gạo nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu gạo tấm và gạo thường từ 12,7% xuống còn 2,7%.

Thống kê cho thấy, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600 nghìn tấn; trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Bờ biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập.

Hơn nữa, thị hiếu tiêu thụ gạo của thị trường châu Phi là gạo hạt dài, khi nấu rời hạt (không dính), gạo đồ, gạo thơm, trong khi với Ghana, Senegal, người dân lại thích gạo cứng.

Đối với thị trường châu Phi, định hướng phát triển thị trường của Việt Nam cần củng cố thị phần các loại gạo trắng, hạt dài, rời hạt, gạo cứng, gạo đồ, gạo thơm… Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường này bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng và điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước châu Phi.

Senegal là quốc gia nối châu Phi với phần còn lại của thế giới và cũng là cầu nối quan trọng với các thị trường xuất khẩu chính ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Đặc biệt, Việt Nam và Senegal đã ký các thỏa thuận như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hiệp định Hợp tác ba bên giữa Việt Nam – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Senegal, Thỏa thuận hợp tác giữa liên đoàn thương mại và công nghiệp hai nước.

Phía Việt Nam cũng đã trao dự thảo Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp để hai bên sớm đàm phán, ký kết, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại song phương nhưng hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng do doanh nghiệp hai bên chưa quan tâm đúng mức đến thị trường của nhau.

Do đó, để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Senegal, hai bên cần tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước. Ngoài ra, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế; phối hợp trong việc giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xác minh đối tác hay tư vấn giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Xuất khẩu gạo năm 2024 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về tín hiệu thị trường nửa đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam nhận định, tình hình tiếp tục thuận lợi.

Do đó, Hiệp hội đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. VFA cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030. “Gạo hiện vẫn là mặt hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh còn rất lớn.

Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng nắm bắt thông tin, thích ứng linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường toàn cầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và gia tăng giá trị xuất khẩu một cách bền vững”, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.

Theo Người Đưa Tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích