Nhiều bất cập trong tổ chức giao thông ở Thủ đô Hà Nội

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20%-26%. Nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng trên 12,1%. Quy hoạch mục tiêu diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3%-4%, nhưng tỷ lệ này hiện chưa đến 1%. Quy hoạch tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt từ 50%-55%, hiện nay mới đạt khoảng 19%.

Nhiều bất cập trong tổ chức giao thông ở Thủ đô Hà Nội
Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

Đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, hiện nay kết quả mới thực hiện được 2 đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, hiện nay mới thực hiện được 1 tuyến Cát Linh – Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch.

Theo ghi nhận thực tế của HĐND Thành phố, nhiều dự án giao thông, tuyến vành đai, đường xuyên tâm trên địa bàn Thành phố chậm triển khai theo quy hoạch. Cụ thể, Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (giai đoạn 1) được triển khai từ năm 2018 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 7.211 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới chỉ giải ngân 19,5% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo Quốc lộ 1A thời gian qua triển khai rất khó khăn, nhiều thời điểm buộc phải tạm ngừng và đầu tư thiếu đồng bộ. Ba đoạn tuyến triển khai dở dang đã lâu gồm: 3,8 km trên địa bàn huyện Thanh Trì; 1,6 km trên địa bàn huyện Thường Tín; 1km trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Còn lại 4 đoạn tuyến với 18,5km đi qua hai huyện: Thường Tín, Phú Xuyên vẫn chưa có dự án đầu tư. Thực trạng này khiến cửa ngõ phía Nam trở thành một trong những khu vực chịu áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội. Đặc biệt, trong những kỳ lễ, tết, ùn tắc kéo dài cả trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ lẫn quốc lộ 1A.

Dự án đường vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – quốc lộ 1A được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Đến nay, sau 13 năm, công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn nhiều vướng mắc. Đây được xem là nút thắt lớn nhất cản tiến độ dự án khiến 9 đoạn tuyến đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.

Nhiều bất cập trong tổ chức giao thông ở Thủ đô Hà Nội
Đường sắt đô thị mới thực hiện được 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch

Dự án mở rộng đường Âu Cơ – Nghi Tàm có chiều dài 3,7km, nguồn vốn 815 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, dự án vẫn ngổn ngang, hiện đã chậm tiến độ 2 năm so với dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Giao thông qua khu vực này thường xuyên ùn tắc. Các hộ dân xung quanh sống trong cảnh bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn.

Cũng theo ghi nhận của HĐND Thành phố, sau nhiều “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tình trạng hàng quán chiếm dụng vỉa hè cũng thường xuyên diễn ra tại các quận như: Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình… Tình trạng này do sự thiếu quyết liệt, đôn đốc của các quận, huyện, thị xã. Các địa phương đều chưa có phương án bố trí, sắp xếp một cách phù hợp cho các hộ kinh doanh trên hè phố để đảm bảo hài hòa giữa giữ gìn trật tự, văn minh đô thị với việc mưu sinh của người dân; lực lượng chức năng mỏng, chưa đảm bảo nhân lực để tổ chức tuần tra khép kín, nhắc nhở người dân thường xuyên, liên tục… Tình trạng xe ô tô đỗ tràn lòng đường vỉa hè vẫn thường xuyên diễn ra.

Vấn nạn xe bắt khách dọc đường hiện lại xuất hiện khắp nơi, không chỉ xung quanh các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm mà còn len lỏi vào tận các ngõ ngách, khu đô thị, bệnh viện. “Bến cóc” được lập khắp nơi, làm mất trật tự, mỹ quan đô thị và gây ùn tắc giao thông. Các xe kinh doanh vận tải khách liên tỉnh luôn tìm cách đi vào trung tâm hoặc chạy xuyên tâm Thành phố để gom khách.

Nhiều bất cập trong tổ chức giao thông ở Thủ đô Hà Nội
Công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến và nút giao thông chưa khoa học, chưa phù hợp thực tế

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nêu rõ, công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến và nút giao thông chưa khoa học, chưa phù hợp thực tế. Đơn cử như cầu vượt chữ C đầu tiên ở Hà Nội đi qua Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch. Đến nay, sau gần 5 tháng, do công tác tổ chức giao thông nhiều điểm còn chưa hợp lý, xung đột với hạ tầng giao thông hiện có, cây cầu vượt này chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc như mong đợi.

Việc phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham giao thông cũng còn nhiều bất cập. Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm phân làn xe máy và ôtô bằng dải phân cách cứng. Tuy nhiên, do việc phân làn không hợp lý, dẫn tới người tham gia giao thông khó tiếp cận lề đường, việc có nhiều đường ngang ngõ tắt dẫn tới việc nhập làn khó khăn, đi lại lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn.

Tuyến đường Lê Đức Thọ – Nguyễn Hoàng – Hàm Nghi vốn là điểm đen giao thông, khi lượng phương tiện đổ về khu vực này rất lớn, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm, tuyến đường này thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị có liên quan đã thống nhất phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao trong 3 tháng, bắt đầu từ 7/10 đến 31/12/2023. Sau nhiều ngày thực hiện thí điểm lắp biển cấm rẽ trái, cấm quay đầu xe và thay đổi tín hiệu đèn giao thông, cảnh hỗn loạn vẫn không hề thuyên giảm.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích