Nhân viên ngân hàng Bắc Á kịp thời giúp người dân giữ lại 700 triệu đồng

Mới đây, UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) tổ chức khen thưởng cho tập thể, cá nhân của Phòng giao dịch số 25, Ngân hàng Bắc Á – Chi nhánh Kim Liên, có thành tích trong công tác phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn đối tượng tội phạm lừa đảo.

Trước đó, ngày 9/5, bà P.T.S (sinh năm 1950; trú tại phường Khương Mai) nhận được được gọi của một người tự xưng là Công an đang điều tra đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. Kẻ giả danh Công an thông tin bà S là mắt xích lớn trong đường dây tội phạm này, và muốn chứng minh vô tội, phải chuyển khoản 700 triệu đồng.

Do quá lo sợ, bà S đã đến Phòng giao dịch số 25, Ngân hàng Bắc Á – Chi nhánh Kim Liên, địa chỉ 64 Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội, để làm thủ tục rút 700 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm.

Khi giao dịch với bà S, nhân viên ngân hàng Đỗ Thị Thanh Nga thấy nhiều biểu hiện nghi vấn có dấu hiệu bà đang bị kẻ xấu lừa đảo. Chị Nga đã giải thích và cảnh báo cho bà S biết về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng; đồng thời điện báo cho Công an phường Khương Mai. Sau đó, chị Nga dẫn bà S đến Công an phường Khương Mai để báo cáo sự việc.

Tại cơ quan Công an, bà S được cán bộ trực ban hướng dẫn về phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Bà S nhận thấy nội dung Công an phường vừa trao đổi đúng với thủ đoạn đối tượng không rõ địa chỉ vừa liên hệ với bà. Khi bà S gọi điện lại cho đối tượng thì không bắt máy, nhờ đó bà S không mất 700 triệu đồng.

Công an đã yêu cầu bà S tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng không rõ tên, không rõ địa chỉ; đồng thời khi nhận được điện thoại có dấu hiệu lừa đảo như trên thì gọi điện báo ngay cho Công an để được hỗ trợ giải quyết.

Nhân viên ngân hàng Bắc Á kịp thời giúp người dân giữ lại 700 triệu đồng
Lãnh đạo UBND phường và Công an phường Khương Mai trao tặng Giấy khen cho tập thể, cá nhân.

Cơ quan Công an cảnh báo: Hiện nay các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi dụ dỗ, lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn rất tinh vi nhằm làm cho người dân tin là có thật và chuyển tiền vào tài khoản của chúng rồi chiếm đoạt.

Các hình thức phổ biến như: Nhắn tin trúng thưởng và yêu cầu nộp thuế để nhận quà; Làm quen và gửi quà tặng có giá trị lớn; giả danh Công an, Viện kiểm sát Tòa án hoặc viễn thông, điện lực gọi điện, nhắn tìn hù dọa người dân đang liên quan đến các vụ án hoặc nợ cước viễn thông, tiền sử dụng điện, có biên lai xử phạt vi phạm giao thông và yêu cầu nộp phạt qua tài khoản ngân hàng; giả mạo Zalo, Facebook của người quen để nhắn tin mượn tiền; Gửi tin nhắn để chiếm quyền điều khiển điện thoại hoặc gửi đường link lạ để đánh cắp thông tin tài khoảng ngân hàng; Mời làm cộng tác viên bán hàng online, đầu tư tiền ảo; cho vay tiền qua mạng…

Do đó người dân phải cẩn trọng khi tham gia các ứng dụng trên mạng xã hội, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số căn cước công dân, số điện thoại, số nhà, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet.

Không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác khi giao tiếp, tương tác trên các trang mạng và môi trường internet để phòng tránh rơi vào bẫy lừa đảo các đối tượng xấu.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích