Nguồn vốn bố trí thực hiện nhà ở xã hội cho công nhân mới đạt khoảng 35% nhu cầu
Chiều nay (3/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhiều đại biểu quan tâm đến trách nhiệm, giải pháp đặt ra để giải quyết các tồn tại về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân lao động nói riêng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động. Đại biểu hỏi trong thời gian tới Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?
Đồng thời có biện pháp như thế nào để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng đề cập đến mục tiêu nhà ở xã hội là hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động. Theo đại biểu, mục tiêu trên còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 – 25 triệu đồng/m2.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum). (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân.
Theo đại biểu, nhiều năm qua vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phát triển nhà ở cho công nhân rất quan trọng. Tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập, diện tích nhà không đạt, không đảm bảo cho an toàn phòng cháy, chữa cháy.
“Bộ trưởng có giải pháp như nào để khắc phục những hạn chế trên? Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích để cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, xây dựng nhà ở cho công nhân?”, đại biểu chất vấn.
Còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt là phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn chưa đạt. Đến nay mới chỉ đạt được 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu 12,5 triệu m2. Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được 36,31%.
Các đại biểu họp phiên chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Ngoài ra là các quy định nhà ở xã hội phải dành diện tích tối thiểu 20% để cho thuê; chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được mua, thuê mua nhà ở xã hội… để bố trí chỗ ở cho người lao động của mình trong khi nhu cầu này rất lớn.
Đặc biệt, việc bố trí nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn bố trí thực hiện nhà ở xã hội cho công nhân mới được khoảng 35% nhu cầu; nguồn vốn cấp bù lãi suất cho tổ chức tín dụng chưa được cấp vốn; nhiều địa phương chưa chú trọng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chưa đưa vào kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm để đầu tư…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…
Việc chưa đạt mục tiêu này, theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có quy định về pháp luật vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như Luật Nhà ở, các luật khác… trong trình tự thủ tục đầu tư, mua bán nhà ở xã hội, xác định giá nhà ở xã hội trước khi giao dịch; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội như sửa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…
Thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn
Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm, khiến số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). (Ảnh: Quốc hội) |
Cơ cấu sản phẩm bất động sản tiếp tục bất hợp lý, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nhận định tình hình thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội và công nhân còn rất lớn…
Nguồn: Báo lao động thủ đô