Người hết lòng vì nước, vì dân!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp, bí danh Anh Văn sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước.

Ngay từ khi còn rất trẻ, trước nỗi đau mất nước, nỗi đau của người dân nô lệ, bị xiềng xích, tủi nhục, người thanh niên Võ Giáp mới 16 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, tham gia các tổ chức cộng sản, tổ chức bãi khóa và bị bắt tù đầy… Có lần trả lời báo chí nước ngoài, Đại tướng nói: “Tôi đã cống hiến cả cuộc đời tôi, từng ngày, từng giờ, từng phút để phục vụ Đảng và nhân dân Việt Nam, tôi chẳng hối tiếc gì cả”.

Người hết lòng vì nước, vì dân!
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội diễn tập năm 1957. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Với cả cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ… Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tướng luôn gắn mình với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vị trí là Tổng Tư lệnh của lực lượng vũ trang nhân dân đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy các hoạt động của Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh thắng hai đội quân xâm lược hùng mạnh nhất của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nét nổi bật đặc sắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến là tư duy về quân sự của ông luôn gắn liền với tư duy về tổ chức chiến tranh nhân dân. Tư duy về chiến tranh nhân dân hình thành trong ông từ rất sớm; bắt nguồn từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân; từ sự kế thừa nghệ thuật quân sự trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; và hơn nữa là từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một thành tựu sáng tạo quan trọng bậc nhất là nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã từng bước xây dựng nên những nhân tố cơ bản cho một nghệ thuật chiến tranh giữ nước và giải phóng của dân tộc nhược tiểu, đất không rộng, người chưa nhiều, có thể gọi là nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: Nghệ thuật chiến tranh toàn dân”.

Đúc kết từ những bài học chiến thắng ngoại xâm của cha ông, Đại tướng đã đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới. Chính vì thế, từ khi nhận nhiệm vụ chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đến khi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã góp công lớn vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), chiến thắng pháo đài bay B52 trên bầu trời Thủ đô những ngày mùa đông năm 1972, chiến thắng 30/4/1975 thống nhất đất nước và chiến thắng biên giới Tây Nam, phía Bắc luôn ghi dấu ấn của Đại tướng, trong đó đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Báo chí một số nước châu Âu, như: Anh, Pháp và Nga thì ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Một trong 10 vị tướng nổi tiếng nhất thế giới”, “Vị tướng xuất sắc nhất mọi thời đại”. Nhân dân ta tôn vinh gọi Đại tướng là “Vị tướng của lòng dân”, “Vị tướng của nhân dân”, hay một cái tên trìu mến: “Tướng Giáp – Anh Văn, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Không chỉ là nhà quân sự thiên tài, nhà lãnh đạo lỗi lạc, ông còn là nhà giáo, nhà báo… trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Là vị tướng, là nhà lãnh đạo nhưng ông luôn sống cuộc đời bình dị và mãi khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu “dĩ công vi thượng”. Nghĩa là đặt việc công lên trên hết, là lúc nào, ở đâu cũng tận tụy, đau đáu với nhiệm vụ vì nước, vì dân./.

H.Phạm (tổng hợp)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích