Người điều khiển phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì phiên họp thẩm định Dự án Luật Phòng không nhân dân, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Phòng không lục quân, Bộ Quốc phòng cho biết, việc xây dựng Dự án Luật phòng không nhân dân là cần thiết nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, quân sự, quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân trên từng hướng, từng khu vực phòng thủ; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong tình hình mới.

Trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng phòng không nhân dân nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không, nhất là quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đồng thời giải quyết những vấn đề mới, yêu cầu thực tiễn đặt ra và từ các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trên thế giới gần đây; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; hoàn thiện cơ sở pháp lý để hoạt động phòng không nhân dân thực hiện hiệu lực, hiệu quả…

Người điều khiển phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp

Dự án Luật Phòng không nhân dân gồm 8 chương, 55 điều, được xây dựng theo 5 chính sách gồm: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; Quy định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại cuộc họp đó là quy định về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Dự thảo Luật nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn hàng không, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân.

Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đăng ký tại các cơ quan chức năng của Bộ Công an trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên; được đào tạo kiến thức về hàng không và được cấp chứng chỉ theo quy định của Chính phủ. Quá trình khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không được sử dụng chất cấm theo quy định của pháp luật.

Bộ Quốc phòng cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Bộ Công an cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an.

Trường hợp cấp phép bay cho hoạt động bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự phải được sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng.

Tàu bay không người lái phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 ki-lô-gam hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay được miễn trừ cấp phép bay.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền đình chỉ tất cả các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong vùng trời Việt Nam, vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Bộ trưởng Bộ Công an được quyền đình chỉ các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Công an cấp phép hoặc các chuyến bay, phương tiện bay xâm phạm vào các mục tiêu do Bộ Công an bảo vệ…

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, việc dẫn chiếu các văn bản của Đảng và Nhà nước tại Tờ trình khá nhiều nhưng chưa gắn với sự cần thiết của việc xây dựng Luật phòng không nhân dân. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thêm các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan để làm nổi bật nội dung này.

Bên cạnh đó, một số cơ sở pháp lý nêu tại Tờ trình đã được ban hành từ lâu và đến nay, các văn bản pháp luật có liên quan đã có nhiều thay đổi, cần được rà soát, chọn lọc để kế thừa những quy định còn phù hợp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng cho ý kiến cụ thể về nội dung dự thảo Luật như cần làm rõ mối quan hệ giữa lực lượng phòng không lục quân với lực lượng phòng không nhân dân và sự phân định nhiệm vụ của các lực lượng này; thẩm quyền huy động lực lượng phòng không nhân dân; cơ quan chỉ đạo công tác phòng không nhân dân; hệ thống chỉ huy phòng không nhân dân…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích