Người cộng sản kiên trung, hết lòng phụng sự đất nước
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng giữ các chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước (1969-1979)…
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng: Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh Tư liệu) |
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lớn lên, Nguyễn Lương Bằng làm việc trên các tàu biển; đến năm 1925 thì sang làm cho một tàu binh Pháp, đậu ở Sa Diện, thuộc tô giới Pháp ở Quảng Châu, Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng gặp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12/1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội).
Sau lớp huấn luyện chính trị, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xin về nước hoạt động. Nhiệm vụ chính của đồng chí Nguyễn Lương Bằng lúc này là tổ chức đường giao thông Hải Phòng – Hương Cảng (Hồng Kông) để đưa thanh niên trong nước ra nước ngoài học tập và chuyển tài liệu, sách báo từ nước ngoài vào trong nước, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình..
Giữa năm 1929, Tổng bộ Thanh niên điều động đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang Hương Cảng, giao cho ông công tác liên lạc giữa Hương Cảng và Quảng Châu. Tại Hương Cảng, vào cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào một chi bộ của An Nam Cộng sản Đảng và hoạt động bí mật tại đây.
Những ngày ở Thượng Hải, đồng chí Nguyễn Lương Bằng hoạt động rất hiệu quả và được gặp Nguyễn Ái Quốc, khi Người đang dừng chân tại Thượng Hải khi trên đường sang Liên Xô. Vào khoảng tháng 8/1930, cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một lần nữa, lại được gặp Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 5/1931, tại Thượng Hải, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị mật thám Pháp bắt, áp giải về nước; bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Dù phải chịu cực hình tra tấn của mật thám Pháp, nhưng đồng chí nhất định không khai báo, nên các tổ chức của ta ở Thượng Hải vẫn được an toàn. Sau khi đánh đập và hỏi cung mà không khai thác được gì, nhà cầm quyền Pháp ở tô giới Thượng Hải đã giải đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Đỗ Ngọc Du về nước, giam giữ tại một số nhà tù, trong đó có nhà tù Hải Dương.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bộ đội hải quân tại Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh), tháng 3/1959. (Ảnh: Tư liệu) |
Tháng 6/1931, tòa án thực dân tại Hải Dương xử đồng chí Nguyễn Lương Bằng bản án phát lưu chung thân và chuyển về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 12/1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số tù chính trị tổ chức vượt ngục thành công; trốn lên Vĩnh Yên, rồi lại quay về huyện Thanh Miện (Hải Dương) tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí lại bị bắt trên đường đi công tác tại Bắc Giang.
Đầu năm 1934, đồng chí bị chuyển đến giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) lần thứ hai; đến tháng 5/1935, thì bị đày lên giam tại nhà tù Sơn La. Tháng 8/1943, tổ chức đảng trong nhà tù Sơn La bố trí cho đồng chí vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; Đồng chí được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận.
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 14 đến 15/8/1945, tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với tư cách là Ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia hội nghị và phát biểu về cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội khai mạc tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tham dự hội nghị với tư cách Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Trưởng ban Kinh tế – Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng mất ngày 20/7/1979, tại Hà Nội, thọ 75 tuổi.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn là tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Trong nhiều năm giữ các chức vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn chắt chiu từng đồng để bổ sung vào quỹ Đảng. Có những lần đi công tác, ông không dùng tiền của Đảng, mà bí mật về quê bán thóc, lấy tiền đi đường. Vì vậy, nhiều đồng chí quý trọng gọi ông là “Anh Cả Đỏ”, đồng chí “Sao Đỏ”.
Đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học tập”. Nhiều năm được làm việc bên Bác, được Bác chỉ bảo tận tình, đồng thời luôn phấn đấu, học tập và làm theo Bác, do vậy đồng chí Nguyễn Lương Bằng kế thừa, học tập được rất nhiều điều từ tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác Hồ, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Không chỉ là người suốt đời thực hành và là tấm gương mẫu mực trong thực hành đạo đức cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một trong những người đầu tiên đề xuất việc tích cực học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên. Theo Đồng chí, học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là học tập, noi gương những quan điểm của Người về “Đảng viên phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân chứ không phải để ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, phục vụ cho mình, phục vụ cho gia đình mình. Đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải thật sự phản đối quan liêu, lãng phí, tham ô, cá nhân chủ nghĩa”.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất chú trọng đến xây dựng Đảng, đặc biệt là dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng. (Ảnh: Tư liệu) |
Đó là học tập quan điểm “Lối sống cách mạng là lối sống có lập trường giai cấp, có quan điểm quần chúng, có kỷ luật tự giác và đạo đức cách mạng”; quan điểm “Lối sống có quan hệ mật thiết đến nhân phẩm và đạo đức của người đảng viên, đến ảnh hưởng và sức chiến đấu của Đảng”; “Lối sống cách mạng của người cán bộ, đảng viên có quan hệ mật thiết đến thanh danh, uy tín, sức chiến đấu của Đảng, đến thành tích và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng”.
Đồng chí cho rằng, “Có nhận thức rõ như thế mới thấy cần phải rèn luyện lối sống cách mạng, phải kiên quyết chống lại lối sống cá nhân chủ nghĩa của giai cấp tư sản và các giai cấp không vô sản khác”. Đồng chí xác định, phải “Tiếp tục phát huy gương sáng của người trước, tiêu biểu và mẫu mực cho chúng ta ngày nay, đó là lối sống cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất chú trọng đến xây dựng Đảng, đặc biệt là dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, xem đó là phương châm công tác của mình. Đồng chí cho rằng, nếu không dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, Đảng sẽ dẫn đến tình trạng “lỏng chân đứng”…
Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng thể hiện ở phẩm chất một nhà cách mạng bản lĩnh, liêm khiết, lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng. Đồng chí đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, thực sự là tấm gương sáng của chiến sĩ cộng sản bản lĩnh, kiên cường, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô