Nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hầu hết các sản phẩm có uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng, đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.

Qua một số khảo sát cho thấy, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phổ biến ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ đến những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn.

“Hàng giả, hàng nhái đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, linh hoạt về giá cả, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, nhập khẩu từ bên ngoài,” ông Sinh nói.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ liên tục thay đổi.

Cụ thể, kho hàng được lập ở vùng biên giới, sau đó chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt thì gom lại để lắp ráp, đóng gói. Do vậy, các doanh nghiệp, chủ sở hữu các thương hiệu lớn có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…

“Lực lượng chức năng đang tập trung triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là ngăn chặn việc rao bán công khai hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử; không còn tình trạng công khai sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các làng nghề…,” ông Nguyễn Đức Lê cho hay.

Còn theo Thiếu tá Trần Vũ Minh Hải, Phòng 4, Cục A05, trên không gian mạng đang xuất nhiều nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn, với các mặt hàng hàng giả chủ yếu như túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… được nhập lậu về Việt Nam và rao bán trên không gian mạng.

“Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để “qua mặt” lực lượng chức năng,” đại diện Cục A05 cho hay.

Ảnh minh họa

Trước thực trạng này, mới đây, Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội đã ký hợp tác với Viettel Post Hà Nội nhằm mục tiêu đấu tranh phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vận chuyển qua đường bưu chính; hàng hóa vi phạm về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động bưu chính.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện rõ hàng thật – hàng giả thông qua các hoạt động của cơ quan quản lý thị trường. Tiêu biểu là tham gia trưng bày tại các gian hàng giới thiệu hàng thật – hàng giả của Tổng cục Quản lý thị trường. 

Các hoạt động này giúp người tiêu dùng nhận diện trực quan hàng thật – hàng giả, từ đó tăng cường nhận thức, không tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả. Qua các lần tổ chức trưng bày nhận diện hàng thật – hàng giả, ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong phòng, chống hàng giả đã nâng lên rõ rệt.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, chiến lược sở hữu trí tuệ, chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và sắp tới là Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.

Ông Bạch nhấn mạnh “việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả không chỉ là trách nhiệm của các nhà lập pháp và chính phủ mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ và tôn trọng công sức sáng tạo của người khác”.

Chia sẻ điều này, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số cho rằng trên môi trường số, sở hữu trí tuệ, bản quyền là vấn đề sống còn. Để bảo vệ giá trị sáng tạo cần có các giải pháp đồng bộ, chủ động.

Ông Chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, sáng tạo trên môi trường số đến không chỉ các đối tượng sáng tạo nội dung mà cả cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng phân phối, khai thác nội dung sáng tạo…

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích