Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tính kết nối, liên kết vùng
Phát biểu kết luận Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức quan tâm đến việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có việc hình thành 6 vùng động lực phát triển đất nước. Do đó, việc thành lập Hội đồng điều phối, tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ để bắt tay vào hành động chính là thực hiện tinh thần chỉ đạo đó.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Theo Thủ tướng Chính phủ, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển vùng; có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử; có 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 di tích quốc gia đặc biệt…
Vùng đồng bằng sông Hồng có quy mô kinh tế lớn thứ hai cả nước sau Vùng Đông Nam Bộ, có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, có vùng biển có diện tích lớn, có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước)…
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng còn không ít tồn tại, hạn chế trong phát triển. Kinh tế – xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí. Liên kết vùng còn rời rạc.
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 vấn đề điều hành xuyên suốt và 11 nhiệm vụ của Hội đồng từ nay đến hết năm 2023, để hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng đi đúng hướng, sớm đem lại hiệu quả thực chất.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ của Hội đồng là tập trung điều phối liên kết, kiểm tra, tạo ra xu thế, tạo ra phong trào để nâng cao hiệu quả liên kết vùng; sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng; xử lý các vấn đề còn ách tắc liên quan. Hội đồng không làm thay nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược với Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển. (Ảnh: Hữu Duyên) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tiếp thu góp ý tại hội nghị hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng từ nay đến cuối năm 2023 để tổ chức thực hiện.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Hội đồng làm nhiệm vụ điều phối nâng cao hiệu lực, hiệu quả tính kết nối, liên kết vùng.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỉ lại; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả vùng thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, lúc này phải ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, Hội đồng phải tiếp tục góp phần vào giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và ổn định chính trị của vùng; tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển cho vùng và cả nước.
Thúc đẩy triển khai 3 đột phá chiến lược: Kết nối hạ tầng chiến lược trong vùng (như đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng và đường ven biển từ Thanh Hóa – Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh); kết nối hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông; kết nối tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cùng nhau xây dựng thể chế ưu tiên, ưu đãi, đặc thù vượt trội cho vùng… trong đó có nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng phải hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021/2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023; riêng thành phố Hà Nội phải hoàn thành trong năm 2023.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, được coi là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam và ASEAN kết nối với Trung Quốc – một trong những thị trường rộng lớn nhất thế giới. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô