Luôn là tờ báo vì người lao động
Với quan điểm xuyên suốt đó, nhớ lại những năm 2000, đặc biệt là các năm từ 2005 – 2007 cùng với thị trường chứng khoán phát triển rất nóng thì quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng “nóng” không kém bởi sự bất bình đẳng về sở hữu cổ phần trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Đắc Trịnh (thứ 8 từ trái sang) cùng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. |
Vẫn biết, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đưa hệ thống doanh nghiệp thoát khỏi “bầu vú” ngân sách Nhà nước, giúp doanh nghiệp tự chủ kinh doanh để vươn ra biển lớn đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tiếp tục đưa người lao động vào vị trí làm chủ nhà máy trong giai đoạn mới. Chủ trương đúng đắn là thế, song trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập. Không chỉ việc định giá đất đai, giá trị doanh nghiệp thấp mà việc sở hữu cổ phần thông qua phát hành cổ phiếu cũng có vấn đề. Người lao động làm trong doanh nghiệp ngoài lượng cổ phiếu được tính theo thâm niên công tác thì cũng được mua cổ phần ưu đãi với số lượng hạn chế. Dù hạn chế, nhưng đa số người lao động không có tiền đành phải bán cổ phiếu (quen gọi là bán lúa non) cho các ông chủ. Một quá trình gom cổ phiếu bắt đầu…
Cũng trong giai đoạn này, vấn đề đất đai cũng nóng không kém. Các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai ngày càng nhiều. Mỗi tuần tòa soạn nhận được khá nhiều đơn của người dân gửi đến.
Nhận thấy những bất cập đó, báo Lao động Thủ đô với tư cách là tờ báo của người lao động, nên quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ban Biên tập là phải bám sát mọi diễn biến trong việc thực hiện cổ phần hóa tại các doanh nghiệp và tình trạng khiếu kiện đất đai… kịp thời báo cáo Ban Biên tập chỉ đạo triển khai tin, bài. Chính nhờ đề cập nhanh, đề cập sâu, với tần suất cao mà hàng tháng báo Lao động Thủ đô nhận được rất nhiều đơn thư của bạn đọc gửi đến phản ánh những “góc khuất” trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, các bài phóng sự, điều tra về vấn đề đất đai cũng liên tục được đăng tải trên Lao động Thủ đô. Trong đó, có nhiều tuyến bài được chính quyền ghi nhận và kịp thời giải quyết…
Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện các tin, bài liên quan đến chủ đề này, ngoài phản ánh những bất cập phát sinh về thực hiện quá trình cổ phần hóa, quan điểm của Ban Biên tập là báo Lao động Thủ đô phải phản ánh những tuyến bài sâu làm nổi bật vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, một giai cấp có sứ mệnh lịch sử trong quá trình giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước nhưng đang có nguy cơ từ “địa vị” làm chủ nhà máy sang làm thuê cho các “ông chủ” mới. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Ban Biên tập, sự vào cuộc tích cực của các ban chuyên môn và phóng viên, sau một thời gian xâm nhập thực tế, một loạt các bài phóng sự dài kỳ phản ánh những vấn đề nóng như đất đai, đời sống việc làm của người lao động đã được xuất bản. Trong số các phóng sự đó, nổi bật là loạt bài phóng sự dài 5 kỳ với tiêu đề: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Ai là chủ, ai làm thuê?” đã được lãnh đạo Thành phố quan tâm và bạn đọc hưởng ứng tích cực. Loạt bài phóng sự dài kỳ này cũng đã vinh dự được nhận Giải B – Giải báo chí toàn quốc lần thứ II năm 2007. Đây là thứ hạng giải cao nhất bởi năm đó không có giải A.
Cạnh đó, không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, thời kỳ này Báo còn tích cực tổ chức phong trào thể dục – thể thao nhằm tạo sân chơi cho công nhân viên chức lao động để nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện thể chất. Chính vì thế, hàng năm, vào dịp Lễ 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, giải bóng chuyền công nhân viên chức Lao động Thủ đô đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người lao động và các cấp công đoàn tham gia. Cũng trong giai đoạn này, báo Lao động Thủ đô còn thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm. Đây chính là một trong những “ngày hội việc làm” uy tín nhất của Thành phố, là nơi gặp gỡ cung – cầu lao động, từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn…
Trên đây chỉ là một số những hoạt động điển hình về việc thực hiện tôn chỉ, mục tiêu cốt lõi của báo Lao động Thủ đô trong chặng đường hình thành, phát triển tờ báo và cũng là sự đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, người lao động nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh – giàu đẹp; vì sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, vì lợi quyền chính đáng, hợp pháp của người lao động.
…Cuộc sống là một sự vận động không ngừng. Mỗi một giai đoạn có những đặc thù riêng. Trước đây, khi công nghệ làm báo còn lạc hậu, hệ thống báo chí nói chung, trong đó có Lao động Thủ đô đã gặp không ít khó khăn. Nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, bên cạnh báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội đã làm thay đổi cục diện thông tin, do đó cách tiếp cận với bạn đọc của mỗi cơ quan truyền thông cũng phải khác. Song bất luận hoàn cảnh nào, mỗi cơ quan báo chí của đất nước cũng phải thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ mục đích của mình. Dù về nghỉ chế độ đã lâu, cá nhân tôi vẫn luôn luôn theo dõi từng bước đi của báo Lao động Thủ đô. Vui mừng nhận thấy, Báo ngày càng phát triển: Tờ báo giấy vẫn duy trì, phát triển và đến được với đông đảo bạn đọc; đặc biệt với báo điện tử đã có bước tiến mạnh mẽ, thực sự là công cụ chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, là diễn đàn của người lao động. Báo đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, nhưng điều mừng nhất “hồn cốt” vốn làm nên thương hiệu của Lao động Thủ đô suốt ba thập kỷ qua không thay đổi, đó là phản ánh đậm nét hoạt động của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động; phản ánh sinh động mọi góc cạnh của đời sống người lao động…
Nguyễn Đắc Trịnh (Nguyên Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô)
Nguồn: Báo lao động thủ đô