“Lửa nghề” của những nhà báo trẻ

Những khó khăn ban đầu

Trò chuyện với những phóng viên trẻ, cảm nhận đầu tiên của tôi chính là sự hăng hái, xông xáo và nỗ lực phấn đấu trong con người họ. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi mới bước chân vào nghề, không quản ngại khó khăn, họ luôn sẵn sàng dấn thân để mang lại những câu chuyện hấp dẫn, sinh động đến độc giả.

“Lửa nghề” của những nhà báo trẻ
Phóng viên Mai Quý trong một chuyến đi công tác tại quần đảo Trường Sa.

Phóng viên Mai Văn Quý (hiện đang công tác tại Ban Văn Xã, Báo Lao động Thủ đô) chia sẻ: “Tôi đến với nghề báo như một cơ duyên đã định sẵn. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã rất hào hứng với các tiết học của môn Văn học – Báo chí. Và rồi, khi đa phần sinh viên năm cuối đăng ký đi thực tập tại các trường học thì tôi lại chọn một tờ tạp chí để thử sức. Hết thời gian thực tập, ra trường tôi trở thành phóng viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, sau đó là Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo. Cuối năm 2017, tôi vào làm việc tại Báo Lao động Thủ đô. Từ một phóng viên trẻ thiếu kinh nghiệm, tôi đã được Ban Biên tập cùng các anh chị phóng viên kỳ cựu bảo ban, chia sẻ những kỹ năng trong quá trình tác nghiệp. Đây là sự động viên rất lớn, giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều phóng viên trẻ mới vào nghề, phóng viên Mai Văn Quý phải đối mặt với không ít khó khăn. “Khó khăn lớn nhất đối với phóng viên trẻ là việc thu thập thông tin, tư liệu, đặc biệt là về các vấn đề tiêu cực. Nhiều đơn vị muốn trốn tránh trách nhiệm mà tìm cách làm khó phóng viên, hẹn 3 – 4 lần vẫn không chịu gặp mặt, rồi đòi hỏi thẻ nhà báo, giấy tờ, công văn… Có nơi thì đề nghị phóng viên gửi câu hỏi theo văn bản và chờ trả lời. Nhưng những vấn đề nóng mà ngồi chờ duyệt thì biết đến bao giờ”, phóng viên Mai Văn Quý bày tỏ.

Phóng viên Nguyễn Ngọc Nga (hiện đang công tác tại Ban Điện tử, Báo Pháp luật Việt Nam) tâm sự: “Nghề nào cũng có những khó khăn của nghề đó. Với nghề báo đòi hỏi sự nhanh trí, tháo vát và cả bản lĩnh của người làm nghề. Thời gian đầu, khi mới về công tác ở Báo Pháp luật Việt Nam, tôi gặp không ít khó khăn do không có nhiều mối quan hệ để kết nối thông tin và chưa nắm bắt được văn phong của tờ báo. Tôi loay hoay không biết nên làm các công việc được giao như thế nào, sợ làm sai, sợ không đạt được định mức. Dẫu vậy, chưa bao giờ tôi hoài nghi về sự lựa chọn của mình”.

Trau dồi bản thân để phát triển nghề nghiệp

Bất kỳ phóng viên nào khi mới vào nghề đều trải qua những khó khăn và không thể so sánh ai khó khăn hơn ai. Tuy nhiên, với niềm đam mê và tình yêu dành cho nghề báo, các phóng viên trẻ đã tự mình từng bước khắc phục khó khăn, trau dồi bản thân để phát triển nghề nghiệp. Họ luôn ý thức được việc tự rèn luyện, trau dồi là yêu cầu cần thiết bắt buộc phải có ở nghề báo để nâng cao nghiệp vụ. Phóng viên Nguyễn Ngọc Nga nhận định: “Sự bỡ ngỡ ban đầu như rào cản mà ai muốn vào nghề cũng cần phải phá vỡ nó. Từ những tin sự kiện nhỏ tới những bài phỏng vấn chuyên sâu, dần dần, tôi bắt nhịp được với sự chuyển động của báo chí, của sự kiện hay những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội. Mỗi nghề nghiệp đều phải có những phẩm chất riêng, nhưng nghề báo cần hơn cả là sự tâm huyết, luôn đề cao đạo đức của một người làm báo chân chính”.

Còn phóng viên Mai Văn Quý cho biết: “Làm việc tại Báo Lao động Thủ đô đã gần 7 năm, tôi may mắn khi được chứng kiến tờ báo của chúng tôi “thay da đổi thịt” và ngày càng phát triển vững mạnh. Không chỉ đầu tư về nội dung chuyên sâu, các bài viết trên Báo cũng được trình bày đẹp mắt, đa dạng về cách thức thể hiện. Để có được sự đổi mới đó đòi hỏi phóng viên phải làm mới bản thân và không ngừng trau dồi kiến thức để bắt kịp với xu hướng phát triển của thời đại công nghệ số. Những người làm báo không chỉ trang bị kỹ năng thu thập thông tin, phỏng vấn, viết bài mà cần phải sử dụng thành thạo công nghệ để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng, thu hút độc giả”.

Cũng theo phóng viên Mai Văn Quý, trong thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ như hiện nay, nghề báo càng vất vả hơn rất nhiều. Phóng viên phải tích hợp “đa phương tiện” để giúp thông tin tốt hơn, các quan hệ xã hội được phản biện rõ nét hơn và đưa tiếng nói của người dân đến gần với các cấp chính quyền hơn. Ngoài ra, để có những tác phẩm báo chí chất lượng, không có chuyện chỉ ngồi một góc văn phòng, đòi hỏi phóng viên phải chủ động lặn lội, tìm tòi đề tài hay, mới lạ, phải sắp xếp những chuyến công tác dài ngày ở nơi xa. Có những vụ việc xảy ra vào giữa đêm, nhận cuộc gọi từ lãnh đạo và phóng viên phải sẵn sàng lên xe đến cơ sở tác nghiệp…

“Nếu không theo nghề báo, chắc hẳn tôi sẽ hiếm có dịp được đặt chân đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các Nhà giàn DK1, các đồn biên phòng dọc biên giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, Campuchia… Mỗi chuyến công tác với tôi là một hành trình đầy thú vị. Khi đến đồn biên phòng, ra Trường Sa hay lên Nhà giàn DK1, tôi được chứng kiến và tham gia vào nhiều hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, từ hoạt động văn hóa thể thao, tăng gia sản xuất đến tuần tra canh gác và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Được hòa mình vào cuộc sống của người lính nơi biên cương, đặc biệt được ôm đàn ghi – ta hát cùng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa đã giúp tôi thấu hiểu, sẻ chia với những hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, phóng viên Mai Văn Quý chia sẻ.

Có thể khẳng định, để có một tác phẩm báo chí hay cần rất nhiều sự hy sinh. Đặc biệt, với những người trẻ mới vào nghề khó khăn còn tăng lên gấp bội. Những sinh viên học báo ra trường ít người theo đuổi được nghề nếu như chỉ ngồi đọc sách và theo đuổi những lý tưởng màu hồng qua bài vở. Nhưng chính những khó khăn ấy lại là sức hút của nghề báo. Phóng viên trẻ luôn nhiệt huyết và xông xáo, nhưng chỉ thế thì chưa đủ, nếu không có phương pháp hợp lý thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Vì thế, đòi hỏi lòng yêu nghề sâu sắc, đức khiêm tốn và ham học hỏi mới có thể tích lũy được kinh nghiệm, nâng lên bản lĩnh của người làm báo.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), xin dành lời cảm ơn chân thành nhất đến những cây đại thụ trong làng báo chí Việt Nam và những tấm gương nhà báo chân chính đã góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Đồng thời, gửi đến những phóng viên trẻ những lời động viên, khích lệ để tiếp tục trong sự nghiệp phản ánh chân thực cuộc sống, mang những thông tin hữu ích đến với công chúng.

Phạm Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích