Linh hoạt các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

Chú thích ảnh
Bốc xếp hàng hóa tại Công ty Cổ phần cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Để đẩy mạnh sản xuất, bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện song hành cả hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường…

Để hiểu rõ hơn về thực trạng doanh nghiệp cũng như các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Vậy, khu vực trong nước, đâu là những tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và doanh nghiệp đang tham gia sản xuất, kinh doanh?

Như chúng ta đã thấy, kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 2.907,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 – 2024 ; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7 so với cùng kỳ; trong đó: xuất khẩu đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa dự kiến xuất siêu 11,63 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở ngưỡng trên 50 điểm trong 4/5 tháng đầu năm, thể hiện sản xuất trong nước được mở rộng.

Các kết quả cho thấy, nhiều tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong nước, đối với khu vực doanh nghiệp (khu vực chiếm trên 60% GDP) cũng có nhiều tín hiệu tích cực cả về số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và doanh nghiệp đang tham gia sản xuất, kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, theo bà đây có phải là tín hiệu tốt đối với thị trường?

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong giai đoạn 2019 – 2024, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là 108,4%, đây là tín hiệu rất tích cực khi so sánh với quý I/2024 (chỉ đạt 80,9%).

Trong hơn 110,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm, phần lớn là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,7%); số doanh nghiệp giải thể và chờ làm thủ tục giải thể chỉ chiếm 35,3% và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 88,7%).

Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung chủ yếu trong tháng 1/2024 (53,9 nghìn doanh nghiệp) và xu hướng được cải thiện một cách rõ rệt trong các tháng tiếp theo, với số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bình quân mỗi tháng là 18,4 nghìn doanh nghiệp.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở ngưỡng trên 50 điểm trong 4/5 tháng đầu năm, thể hiện sản xuất trong nước được mở rộng.Theo báo cáo khảo sát chuyên đề của Tổng cục Thống kê thực hiện trong tháng 6/2024, có 73,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024 (25,9% tốt hơn và 47,6% giữ ổn định).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 8,5%; chỉ số tiêu thụ tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tồn kho bình quân 6 tháng đầu năm là 76,9%, giảm mạnh so với cùng kỳ (83,1%). Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất có số lượng đơn hàng mới quý II tăng lên so với quý trước và dự kiến tiếp tục có xu hướng tăng cao hơn trong quý tới.

Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng tăng cao. Để giải quyết những khó khăn này, bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, theo bà, các doanh nghiệp đã có những giải pháp gì để khắc phục?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 110,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023.Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2024 là 1.537,1 nghìn tỷ đồng (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023).

Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đây, giai đoạn 2017-2022 vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp cao hơn 10 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành vẫn gặp khó khăn hoặc dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%…

Để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp thực hiện song hành đẩy mạnh cả hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để phát huy năng lực nội tại của mình, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số cho những hoạt động cốt lõi trong sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm, chủ động nhập khẩu nguyên liệu dự trữ để tránh tăng giá chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm.

Về việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; tích cực tham gia các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, Tổng cục Thống kê cũng đề xuất các doanh nghiệp cần cải tiến mạnh chuỗi liên kết giá trị hàng hóa chất lượng từ nông sản tới sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị cao để đáp ứng được nhiều thị trường khó tính, mở rộng quy mô và đối tác, mang lại cơ hội cho các ngành sản xuất.

Trân trọng cảm ơn bà.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích