Lập 20 đoàn giám sát, “đốc” tiến độ triển khai Nghị quyết 68
Nhiều cách làm sáng tạo
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 26/8, cả nước có gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động.
Bên cạnh đó, trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; hỗ trợ cho gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng…
Sau khi nghe các địa phương báo cáo tiến độ tại cuộc họp trực tuyến đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, trước tình hình khó khăn do dịch bệnh, có một điều đáng mừng, đó là “nghĩa đồng bào”, là sự chung tay, tương thân tương ái, toàn xã hội cùng chung tay chăm lo cho người lao động, người nghèo, người yếu thế, đảm bảo cuộc sống không có ai thiếu ăn, thiếu mặc. Sự huy động xã hội chung tay hỗ trợ là điều cần thiết và chính sách của Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên cả nước trong thời gian qua tương đối đồng bộ, khẩn trương, nhiều nơi đạt kết quả tốt. Bộ trưởng biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh , một thành phố với dân số đông đúc, đối tượng đa dạng, tình hình giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhưng đã chi trả hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng và triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội, hỗ trợ cho trên 500.000 người lao động tự do.
Các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng có nhiều cách làm sáng tạo, như hỗ trợ nhà trọ, vận động người dân giảm tiền nhà trọ, giảm, hỗ trợ tiền điện, nước, tiền ăn, cung cấp các bữa cơm miễn phí, gói quà miễn phí, túi thuốc miễn phí… nhiều địa phương cũng có những đề xuất sáng tạo, như hỗ trợ các gia đình chính sách, người nghèo, cơ sở bảo trợ xã hội…
Tất cả những điều này đã tạo ra sự đồng thuận của nhân dân, để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, yên tâm ở nhà giãn cách, đảm bảo phương châm “ai ở đâu ở yên đó”. Bộ trưởng nhận định: “đó là cái được lớn nhất trong thực hiện chính sách. Qua đó, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và công cuộc chống dịch ngày càng lên cao”.
Lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ triển khai
Bên cạnh việc đánh giá những điểm sáng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhìn nhận những điểm chưa đạt trong thực hiện chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23 tới thời điểm này.
Bộ trưởng chỉ rõ, các nguyên nhân khách quan, như tình hình dịch bệnh dẫn đến phải giãn cách xã hội, khó khăn về nguồn lực, có những chính sách có thể triển khai ngay nhưng cũng có chính sách có thể phải kéo dài… đã khiến việc hỗ trợ còn chậm.
“Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính yếu. Tại sao nhiều chính sách rất rõ ràng, cụ thể và có tính thông thoáng hơn trước đây, nhưng chưa đi vào được cuộc sống? Tại sao có tới hàng triệu người lao động mất việc, nhưng số lượng được hỗ trợ còn thấp?” Bộ trưởng nêu câu hỏi.
Bộ trưởng lưu ý, trong thực hiện Nghị quyết 68, các địa phương cần rà soát ngay kết quả của 12 chính sách hỗ trợ. Chính sách nào đã được thực hiện rồi, chính sách nào chưa thực hiện và nguyên nhân? Chính sách nào đã thực hiện nhưng chưa đạt thì cần tập trung giải quyết.
Bộ trưởng cũng yêu cầu bộ phận thường trực theo dõi việc triển khai Nghị quyết 68 đánh giá các kết quả triển khai của từng địa phương và gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố.
“Cần tăng cường thực hiện chính sách của Nghị quyết 68 tại cơ sở và quan tâm hơn nữa tới người lao động. Đặc biệt cần lưu ý, an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Các địa phương cần quan tâm tới những vấn đề trọng điểm của công tác an sinh xã hội trong thời điểm này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu các sở LĐTB&XH của 27 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng quyết định cấp gạo phải tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố rà soát đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy định và gửi danh sách về Bộ trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ thẩm định ngay và gửi Bộ Tài Chính chi hỗ trợ trên tinh thần “không để ai thiếu đói”.
Trong tháng 9 tới, Bộ LĐTB&XH sẽ lập ít nhất 20 đoàn kiểm tra, giám sát và giúp tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Bộ trưởng nhấn mạnh về vấn đề ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, nhất quyết không để xảy ra tình trạng “nóng trên lạnh dưới”. Mỗi cán bộ không những cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, mà còn cần làm việc có lương tâm, tình cảm thực sự đối với người dân khi triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Đối với hoạt động truyền thông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, công tác tuyên truyền thời gian qua đã rất cố gắng, đặc biệt là Đài truyền hình Việt Nam, Báo Dân trí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã triển khai rất tốt. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, ngoài việc tuyên truyền trên đài truyền hình địa phương, cần biểu dương những điển hình tốt lên đài truyền hình quốc gia.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng ghi nhận và khẳng định lãnh đạo Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để trình Chính phủ lấy ý kiến ban hành.
Để tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, nhất là các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng đề nghị các địa phương là vùng cam, vùng đỏ cần hỗ trợ người dân cái ăn, cái mặc. Còn đối với vùng xanh thì cần tập trung giải quyết ngay các chính sách hỗ trợ, không được chờ đợi.
Xem bài: Lập 20 đoàn giám sát, ‘đốc’ tiến độ triển khai Nghị quyết 68
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu