Lào, Thái Lan dự định xây tuyến cao tốc mới nối với biên giới Việt Nam

Lào, Thái Lan dự định xây tuyến cao tốc mới nối với biên giới Việt Nam

Lào và Thái Lan đang thảo luận kế hoạch để xây dựng một tuyến đường cao tốc từ thành phố Kasone Phomvihane, thủ phủ tỉnh Savannakhet, Trung Lào đến cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam.

Ngày 23/8, truyền thông Lào đưa tin các nhà chức trách nước này và Thái Lan đã thảo luận kế hoạch khả thi để xây dựng một tuyến cao tốc từ thành phố Kasone Phomvihane, thủ phủ tỉnh Savannakhet, miền Trung Lào đến Cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet, ông Senesak Soulysak đã đề xuất kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc dài 160km nói trên với cựu Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Thái Lan Sonthirat Sonthijirawong cùng với các quan chức khác.

Ông Senesak cho biết thêm bên cạnh việc xây dựng đường cao tốc trên, việc đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao và sân golf, dịch vụ vận tải quốc tế… sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của tỉnh Savanakhet, vốn đã chứng kiến đầu tư nước ngoài ngày càng tăng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo chính quyền tỉnh Savannakhet, đường cao tốc trên cũng sẽ thúc đẩy giao thương kinh tế vì tỉnh này nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây nối với khu vực Đông Bắc Thái Lan.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, Hành lang kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor – EWEC) là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước EWEC. EWEC gồm bốn quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại tỉnh Savannakhet của Lào, sau Trung Quốc trong năm 2023.

Năm 2022, Chính phủ Lào đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nghiên cứu tính khả thi trong khảo sát thiết kế và xây dựng đường cao tốc từ huyện Houameuang, tỉnh Houaphanh đến biên giới Lào – Việt Nam (cửa khẩu Namsoi – Na Mèo).

Theo báo chí Lào, tuyến cao tốc dài 80km nói trên sẽ được xây dựng theo hình thức BOT và việc xây dựng đoạn tuyến nối tỉnh Houaphanh với Việt Nam sẽ mất khoảng 4 năm để hoàn thành

Đại Phong (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích