Lạng Sơn: Lực lượng QLTT xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh hàng giả qua mạng xã hội

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng phổ biến trên sàn kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021 nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT. Tại tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất cần chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa, cùng sự tỉnh táo của người tiêu dùng để tránh “tiền mất, tật mang”…

Trong thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, TMĐT được xem là giải pháp hữu hiệu vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm, lại giúp người dân phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Việc kinh doanh thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, zalo, viber… ngày càng phổ biến với sự đa dạng, phong phú về mặt hàng, đem lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, các nền tảng xã hội này cũng đang trở thành “thiên đường” hoạt động của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến người tiêu dùng nếu không tỉnh táo rất dễ rơi vào ma trận.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng kinh doanh hàng hóa trái phép thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Qua theo dõi trên các trang mạng xã hội và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện tài khoản Zalo có tên “Ngân Còi” thường xuyên rao bán các loại mỹ phẩm có chữ viết bằng tiếng nước ngoài trên bao bì sản phẩm. Qua xác minh làm rõ, chủ tài khoản zalo trên là của bà Nguyễn Thị Ngân, địa chỉ tại Khu N20, tổ 1, khối 6, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 10/12/2021, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 huyện Cao Lộc đã tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngân có địa chỉ như trên, qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán một số sản phẩm có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, cụ thể:  Nước hoa để phòng nhãn hiệu HOTEL SERIES, số lượng 76 lọ. Keo vuốt tóc, loại 150ml, số lượng 130 lọ. Miếng dán đau vai, gáy, loại 12 miếng/túi, loại 12ml/túi, số lượng 60 túi. Kem dưỡng ẩm VITAMIN E, loại 200g/lọ, số lượng 22 lọ. Kem dưỡng ẩm VITAMIN E CREAM, loại 300gam/lọ, số lượng 17 lọ. Kem bôi nẻ, loại 30g/lọ, số lượng 110 lọ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết tại cửa hàng là: 8.880.000 đồng.

QTT1
Đội QLTT số 2 kiểm đếm, phân loại hàng hóa vi phạm

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh minh nguồn gốc hợp pháp số mỹ phẩm này. Đoàn kiểm tra tiến hành lập Biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính làm rõ hành vi vi phạm, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Ngân về hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu” số tiền: 8.000.000 đồng và buộc bà Nguyễn Thị Ngân phải tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm trên theo quy định của pháp luật.

Qua những đợt kiểm tra cho thấy, các vi phạm chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất nhưng được bày bán với giá rẻ nhằm đánh vào thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng. Theo các đội QLTT trực thuộc, các vi phạm liên quan đến lĩnh vực này chủ yếu bao gồm: Vi phạm về niêm yết giá như: không niêm yết giá hàng hóa theo quy định, niêm yết không đầy đủ, rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách. Kinh doanh thực phẩm chức năng thiếu nhãn hàng hóa, Chủ cơ sở (người có trách nhiệm chuyên môn) vắng mặt ở cửa hàng… Tại tỉnh, một số Đội, tổ địa bàn làm tốt công tác kiểm tra, tuyên truyền lĩnh vực kinh doanh y dược, thiết bị vật tư y tế như: Đội QLTT số 1 (Thành phố Lạng Sơn), Đội QLTT số 3 (Tổ địa bàn huyện Lộc Bình), Đội QLTT số 4 (Tổ địa bàn huyện Chi Lăng), Đội QLTT số 5 (Tổ địa bàn huyện  Văn Quan)…

Đội QLTT số 1 khảo sát giá hàng hóa trong đợt dịch Covid-19 (lần 5) tại hiệu thuốc trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn.
Đội QLTT số 1 khảo sát giá hàng hóa trong đợt dịch Covid – 19 (lần 5) tại hiệu thuốc trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn.

Bên cạnh việc kiểm tra, khảo sát giá hàng hóa, các đội QLTT thường kết hợp tuyên truyền, ký cam kết thực hiện văn minh thương mại trong kinh doanh. Tuyên truyền đến các hiệu thuốc, nhà thuốc tư nhân thực hiện niêm yết giá hàng hóa đầy đủ, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, ép giá. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, vật tư y tế thực hiện các quy định về mua bán phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ… góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, người tiêu dùng chỉ cần truy cập vào bất kỳ trang TMĐT nào cũng có thể dễ dàng đặt mua hàng, một số đối tượng lợi dụng lỗ hổng này để lập nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Mặt khác, do chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ tính răn đe, dẫn đến các hành vi vi phạm gian lận TMĐT vẫn có chiều hướng gia tăng.

Cuối năm là thời điểm giao dịch TMĐT diễn ra sôi động nhất, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp. Để tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên không gian mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung vào các nội dung liên quan đến điều kiện thiết lập website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh.

Thời gian tới, lực lượng QLTT Lạng Sơn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra lĩnh vực y dược, mỹ phẩm, vật tư y tế. Tiến hành kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đặc biệt là vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch như Kit, Test nhanh Covid – 19. Chú trọng kiểm tra các sản phẩm, thiết bị y tế giả mạo nhãn hiệu “ROSSMAX và hình” được bảo hộ cụ thể như: máy đo huyết áp, máy xông khí dung, nhiệt kế điện tử và hồng ngoại). Tăng cường kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đối với tổ chức có hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thiết bị y tế… Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hình thức xử phạt và mức độ xử phạt…tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích