Làm thế nào để sử dụng điện thoại an toàn, bảo vệ sức khỏe?

Làm thế nào để sử dụng điện thoại an toàn, bảo vệ sức khỏe?

Điện thoại ngày nay trở thành vật bất ly thân với rất nhiều người, song không phải ai cũng biết cách sử dụng điện thoại an toàn để bảo vệ sức khỏe.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Những năm gần đây ghi nhận nhiều vụ giật điện, cháy, nổ vì sử dụng smartphone khi đang cắm sạc. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, trong vài năm gần đây đã có hàng loạt trường hợp điện thoại bị rò điện, cháy nổ trong lúc đang cắm sạc khiến người dùng bị thương nặng, thậm chí tử vong.

Trường hợp gần đây nhất xảy ra vào ngày 6/8/2023 tại Bắc Giang, khi người phụ nữ 37 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng vì điện thoại phát nổ trong lúc đang cắm sạc.

Nữ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng thương tích toàn thân và nguy hiểm đến tính mạng. Chồng bệnh nhân cho biết tai nạn xảy ra khi vợ đang ở một mình trong phòng. Khi điện thoại hết pin, bệnh nhân vừa cắm sạc vừa sử dụng và smartphone bất ngờ phát nổ.

Vụ nổ khiến bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu mắt phải; dập nát bàn tay phải; dị vật cắm sâu vào khí quản; vùng hàm, mặt, bụng, ngực, 2 đùi cũng chi chít vết thương… Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt cụt các ngón tay ở bàn tay phải, múc nhãn cầu khiến bệnh nhân mất thị lực mắt phải…

Ngày 14/10/2021, một nam sinh lớp 5 tại Nghệ An đã tử vong vì smartphone đang cắm sạc bất ngờ phát nổ khi em này đang học online.

Ngày 15/6/2020, một vụ tai nạn chết người khác xảy ra tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình), khiến anh Q.V.A (sinh năm 1993) tử vong. Người thân phát hiện anh A. tử vong tại phòng khách của gia đình, chiếc điện thoại bị nổ dính vào vùng ngực của nạn nhân.

Cơ quan chức năng sau đó xác định, nguyên nhân khiến anh A. tử vong là do vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại, thiết bị bất ngờ phát nổ khiến nam thanh niên 27 tuổi tử vong

Sau loạt tai nạn liên quan đến vụ việc nổ pin điện thoại đã dấy lên những lo ngại về tai nạn khi sử dụng điện thoại, dù nó xảy ra không nhiều nhưng an toàn vẫn là trên hết.

Nguyên nhân chính là do hiện tượng đánh thủng điện, có thể xảy ra khi chúng ta đánh rơi điện thoại. Các vết nứt linh kiện trong viên Pin sẽ được tạo thành gây ra hiện tượng ngắn mạch và cháy nổ. Với một số loại pin rẻ tiền có lẫn những tạp chất kim loại bên trong, khi tiếp xúc với các “tế bào pin” cũng có thể gây ra hiện tượng nguy hiểm này.

Ngoài ra, 1 số vụ cháy nổ pin còn được phát hiện do nhiệt độ điện thoại tăng cao bất thường dẫn đến các linh kiện pin bị phá vỡ và gây ra hiện tượng ngắn mạch.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin, có những lỗi nhỏ khi sử dụng điện thoại di động mà người dùng thường xem là chuyện nhỏ nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là việc sạc điện thoại di động, nên dùng cục sạc chính hãng, tương thích với sản phẩm. Nếu tự mua cục sạc bên ngoài, khách hàng nên lựa chọn mua ở những địa chỉ có uy tín, thương hiệu, đồng thời phải xem kỹ thông số ghi trên thiết bị này.

Ví dụ cục sạc dành cho điện thoại khoảng từ 1 – 1,5 Ampe thì an toàn, nếu không có thể gây cháy nổ trong khi sạc. Phụ kiện này cũng cần được kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần.

Không nên chơi điện tử lâu trên điện thoại; sử dụng các loại sạc điện thoại đảm bảo chất lượng; tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố.

Vậy làm thế nào để phòng tránh?

Nếu bạn vừa sử dụng điện thoại vừa sạc thì điện thoại của bạn sẽ tỏa nhiệt nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu nó nóng ran đến mức khó chịu thì có lẽ đã có vấn liên quan đến viên Pin. Hãy tạm ngừng sử dụng và theo dõi nhanh điện thoại còn nóng bất thường không. Nếu tình trạng vẫn còn hãy rút sạc ra.

Hãy sử dụng củ sạc theo máy, đừng bạ đâu sạc đấy nhất là đối với những củ sạc kém chất lượng. Vì khi sạc trên những sản phẩm kém chất lượng, dòng diện được nạp vào Pin không ổn định. Đôi khi chip quản lý nguồn sập gây ra hiện tượng sốc điện cho điện thoại.

Đối với 1 số thiết bị sở hữu chức năng sạc nhanh như: Quick Charge hoặc cổng sạc USB Type-C thì đòng điện sạc vào luôn luôn lớn hơn so với những thiết bị khác. Tránh làm các tác vụ nặng như 3G, Game khi các thiết bị này đang được sạc, nhất là trong 30 phút đầu khi sạc.

Chú ý đến khu vực sạc điện thoại. Tốt nhất khi sạc bạn hãy tránh xa những khu vực quá nóng, chẳng hạn như gần bộ tản nhiệt, ngay trên bảng điều khiển ô tô, hay dưới ánh nắng mặt trời. Hoặc những nơi quá ẩm.

Nếu bạn cảm thấy pin điện thoại có xu hướng phồng lên, hãy tạm dừng sạc điện thoại và tháo pin ra (với điện thoại có thể tháo được). Đặc biệt, bạn không nên vứt pin vào thùng rác mà hãy mang pin đến các đại lý ủy quyền để có phương án loại bỏ riêng.

Chai pin là tình trạng thường gặp với các thiết bị di động sử dụng pin lithium-ion như smartphone, laptop, máy tính bảng…

Tình trạng này khiến cho khả năng lưu trữ điện năng của pin không còn như ban đầu, từ đó làm giảm tuổi thọ và rút ngắn thời gian sử dụng pin. Thậm chí nếu mức độ chai của pin trở nên nghiêm trọng có thể dẫn đến những hư hỏng về pin, gây nguy cơ cháy, nổ pin trong khi đang sử dụng hoặc cắm sạc.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích