Lâm Đồng: Cảnh giác chiêu trò “đặt tiệc qua điện thoại” để chiếm đoạt tài sản

Trong thời gian gần đây, phóng viên Báo Lao động Thủ đô liên tiếp nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là tại các địa điểm du lịch về việc họ bị nhiều đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua chiêu trò “đặt tiệc qua điện thoại”.

Cụ thể, ông Phạm Văn Tú – Chủ tiệm bánh mì Minh Tâm, tại đường Nguyễn Công Trứ, Phường 1, thành phố Bảo Lộc cho biết: Tiệm bánh mì của ông vừa bị các đối tượng giả danh người trong lực lượng quân đội gọi điện thoại lừa đảo đặt bánh mì và nhờ mua hamburger qua đó chiếm đoạt số tiền 50 triệu đồng.

Lâm Đồng: Cảnh giác chiêu trò
Cơ sở sản xuất bánh mì Minh Tâm bị các đối tượng giả danh quân đội lừa đảo, chiếm đoạt 50 triệu đồng.

Ông Tú kể: Ngày 27/4, tôi có nhận được cuộc gọi từ số máy 0325565149 của một người đàn ông tự giới thiệu tên Hải, đang công tác trong quân đội, đóng quân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và chuẩn bị đưa lính đi huấn luyện trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Dự kiến sẽ đến thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 28/4.

Sau đó người tên Hải dùng mạng xã hội zalo với tên “Quang Bình” kết bạn để lấy lòng tin. Người này đặt mua 600 ổ bánh mì (không nhân) với tổng giá trị 3,6 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận giá cả, người tên Hải đã chuyển khoản 500.000 đồng đặt cọc tiền mua bánh mì cho chủ tiệm và báo sáng ngày 28/4 chỉ huy đơn vị sẽ tới lấy bánh mì.

Lâm Đồng: Cảnh giác chiêu trò
Zalo với tên “Quang Bình” dẫn dụ chủ tiệm bánh mì Minh Tâm “sập bẫy” lừa đảo. Ảnh: NVCC.

Sau khi tạo được niềm tin, người tên Hải gọi điện thoại và gửi hình ảnh loại hamburger cần mua qua zalo cho chủ tiệm bánh mì Minh Tâm để mua thêm, nhưng tại đây không có. Đối tượng này tiếp tục nhờ chủ tiệm bánh mì tới các tiệm tạp hóa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc tìm mua giúp 100 hộp hamburger theo mẫu đã gửi rồi sẽ chuyển khoản gửi lại sau.

Sau nhiều giờ tìm kiếm tại các tiệm tạp hóa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, chỉ có hơn 10 hộp hamburger như yêu cầu. Sau đó, đối tượng lừa đảo giới thiệu cho chủ tiệm bánh mì Minh Tâm một cơ sở chuyên bán hamburger đóng trên địa bàn thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) và gửi số điện thoại 0328513373 qua để chủ tiệm bánh mì liên lạc.

Khi chủ tiệm bánh mì Minh Tâm gọi điện và kết bạn zalo vào số điện thoại 0328513373 thì hiện tên “Cửa hàng xuất nhập khẩu”. Qua trao đổi, chủ tiệm bánh mì thống nhất mua 100 hộp hamburger theo như yêu cầu của người tên Hải. Đến trưa ngày 27/4, chủ tiệm bánh mì Minh Tâm gọi điện thoại báo lại với người tên Hải và đề nghị người này chuyển tiền để mua giúp. Lúc này, người tên Hải lấy lý do “chỉ huy đơn vị đang nghỉ trưa nên bảo tiệm bánh mì cứ chuyển khoản mua giúp 100 hộp hamburger rồi chiều chỉ huy sẽ chuyển tiền trả lại sau”.

“Vì thấy người này đặt mua 600 ổ bánh mì và chuyển 500.000 đồng tiền đặt cọc trước, lại nghĩ người công tác trong quân đội nên tôi hoàn toàn tin tưởng. Sau đó, tôi xin số tài khoản bên cửa hàng xuất nhập khẩu rồi chuyển tiền mua hamburger. Tôi đã chuyển tổng cộng 3 lần với tổng số tiền gần 50 triệu đồng. Đến sáng ngày 28/4, sau khi chuẩn bị 600 ổ bánh mì và chờ nhận hamburger để giao nhưng không thấy ai tới. Lúc này tôi đã gọi điện thoại cho người đàn ông tên Hải và nơi đặt mua hamburger nhưng đều không liên lạc được”, ông Phạm Văn Tú cho hay.

Lúc này, vợ chồng ông Tú mới tá hỏa khi biết mình bị kẻ gian lừa đảo và ra trình báo Công an thành phố Bảo Lộc. Theo tường trình của ông Tú, cơ quan chức năng tại đây cho biết: “Thời gian qua trên địa bàn xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rất khó khăn trong quá trình điều tra, thu hồi tài sản cho người dân”.

Cũng theo chủ bánh mì Minh Tâm, đối tượng tên Hải còn gọi điện nhờ mua 20 hộp yến đông trùng hạ thảo (mỗi hộp gần 4 triệu đồng) để “biếu sếp”. Lúc này, anh Tú đề nghị người tên Hải chuyển thêm 30 triệu đồng và chụp lại chứng minh nhân dân thì đối tượng này lập tức cắt đứt mọi liên lạc.

Lâm Đồng: Cảnh giác chiêu trò
Trước đó, 2 nhà hàng tại thành phố Đà Lạt cũng bị các đối tượng giả danh đặt tiệc và lừa đảo, chiếm đoạt trên 750 triệu đồng.

Cùng thời điểm này, bằng chiêu thức tương tự, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại kết bạn zalo với chủ tiệm bánh mì Trương Sỏi, tại Phường 1, thành phố Bảo Lộc để thực hiện hành vi lừa đảo. Tại đây, các đối tượng lừa đảo đã đặt mua 600 ổ bánh mì và nhờ mua 200 hộp hamburger giống hệt tiệm bánh mì Minh Tâm. Các đối tượng còn thực hiện giao dịch ảo chuyển tiền nhờ tiệm bánh mì Trương Sỏi mua giúp hamburger. Tuy nhiên, chủ tiệm bánh mình Trương Sỏi đã cẩn thận, nhờ ngân hàng kiểm tra giao dịch nên đã nhận biết được thủ đoạn của kẻ gian nên may mắn không sập bẫy.

Trước đó, vào các ngày 30/4 – 1/5, Nhà hàng An Mộc, Phường 4 và Nhà hàng Vừng Ơi, Phường 7, thành phố Đà Lạt cũng bị các đối tượng giả danh những vị khách gọi điện thoại đến nhà hàng đặt bàn tiệc. Sau đó, các đối tượng đề nghị các nhà hàng mua rượu vang và sâm để “biếu sếp” rồi cung cấp số điện thoại nơi bán để các chủ nhà hàng liên lạc. Bằng thủ đoạn này, nhà hàng An Mộc và Vừng Ơi đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên 750 triệu đồng.

Trước các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, xảo quyệt trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, lãnh đạo thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) khuyến cáo: Tất cả người dân trong quá trình giao dịch với những người lạ qua điện thoại, mạng xã hội cần đề cao cảnh giác, nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo thì báo ngay với cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hành vi tạo niềm tin với thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm, cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Qua sự vụ nói trên, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, người dân cần đề phòng nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo. Cụ thể, khi có người gọi điện đặt bàn tiệc và nhờ mua giúp sâm, rượu, nếu người đó không phải là khách quen của nhà hàng thì yêu cầu đến trực tiếp tại nhà hàng thực hiện việc đặt bàn tiệc và yêu cầu đặt trước một số tiền nhất định.

Nếu việc đặt bàn tiệc được thực hiện qua điện thoại thì chỉ khi tài khoản của chủ nhà hàng báo đã nhận được tiền từ khách đặt bàn tiệc chuyển thì chủ nhà hàng mới triển khai công việc.

Khi có khách xưng danh là người của cơ quan, tổ chức hay công ty nào đó gọi điện đặt tiệc và nhờ mua rượu thì chủ nhà hàng nên gọi điện đến cơ quan, tổ chức, công ty đó để hỏi, xác minh xem thực tế có việc đặt bàn tiệc không. Nếu cơ quan, tổ chức, công ty ở gần nhà hàng thì có thể trực tiếp đến hỏi, kiểm tra xác minh nhằm tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Trần Nghĩa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích