Ký ức Khâm Thiên gửi thông điệp hòa bình

Hà Nội năm 1972 – Khúc tráng ca anh hùng
Đài Tưởng niệm Khâm Thiên

Hầu như ngày nào tôi cũng đi qua con phố Khâm Thiên để đến cơ quan làm việc. Nếu ai chưa từng chứng kiến những tháng ngày khói lửa quân và dân Hà Nội đánh pháo đài bay hoặc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, hay du khách gần xa cũng không thể tưởng tượng nổi con phố này từng là một trong những địa điểm hứng chịu những trận bom dội xuống từ pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ. Phố Khâm Thiên giờ đổi thay rất nhiều, nhà cao tầng san sát, tấp nập giao thương, song trong “thẳm sâu” vẫn còn đó nỗi đau của một thời khói lửa; nỗi đau của một thời đổ nát, tang hoang; nỗi đau, sự mất mát của không biết bao nhiêu người dân vô tội như nhắc nhở mỗi chúng ta, hãy vun bồi vì một thế giới hòa bình.

Như chúng ta đã biết, vì muốn giành chiến thắng trên bàn đàm phán Paris về chiến tranh Việt Nam, dựa vào năng lực chiến tranh tối ưu, những ngày mùa đông năm 1972, được sự đồng ý của chính quyền Mỹ, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng) Mỹ đã quyết định điều các chiến đấu cơ B52- loại máy bay chiến đấu tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ được mệnh danh “Pháo đài bay bất khả xâm phạm” tiến hành oanh tạc miền Bắc, trong đó trọng điểm là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng… Nói ngắn gọn, Chính phủ Mỹ với ý đồ sử dụng B52 “muốn đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá” hòng để Đảng, Chính phủ ta phải nhượng bộ về chiến trường miền Nam. Song với phương châm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, với quan điểm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với tư tưởng như bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” và với tinh thần mà Bác Hồ kính yêu đã dành tặng Quân đội: “…Khó khăn nào cũng vượt qua/Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Bằng nghệ thuật quân sự đặc sắc được đúc kết từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thành ủy Hà Nội… quân và dân Thủ đô đã đoàn kết một lòng, mưu trí, dũng cảm, gan dạ, không tiếc máu xương… đập tan sự xâm lược của không lực Hoa Kỳ. Quân và dân Hà Nội đã lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, không chỉ đưa Chính phủ Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán tại Paris chấp nhận rút quân về nước, góp phần tạo tiền đề để tiến hành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, mà còn tạo ra cơn “địa chấn” với toàn nhân loại. Từ các cơ quan thông tấn, chính trị gia, học giả quốc tế phải ngỡ ngàng vì sao Việt Nam, quân và dân Hà Nội là nơi duy nhất lúc bấy giờ trên thế giới đánh được B52. Và chính từ nỗi đau khủng khiếp này, sự quật cường của Thủ đô nghìn năm tuổi, Hà Nội đã được mệnh danh là “Thành phố của phẩm giá và lương tri con người”.

Ngày hôm nay lịch sử đã lùi xa nửa thế kỷ, cả Thành phố đang trong những ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Kỷ niệm sự kiện này không chỉ ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta mà còn là dịp để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời, thông qua kỷ niệm, xem, nghe lại những chiến tích đau thương đầy bi tráng của một thời khói lửa như muốn gửi gắm một thông điệp hòa bình từ Thủ đô Hà Nội – “Thành phố vì hòa bình” đến toàn thể thế giới, rằng: Cái giá của chiến tranh quá đắt, hãy cùng nhau vun đắp để giữ thế giới hòa bình và thịnh vượng vì hạnh phúc, ấm no của mọi dân tộc trên hành tinh này.

Với Hoa Kỳ, phương châm của chúng ta là “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”, gần hai thập kỷ qua, hai nước đã cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực không ngừng đẩy mạnh hợp tác song phương để đưa quan hệ Việt – Mỹ lên tầm cao mới, trên nền tảng tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác vì sự phát triển của hai quốc gia và hạnh phúc của nhân dân… Và quan trọng, từ bài học lịch sử, từ sự vị tha của một dân tộc anh hùng, nhân dân Việt Nam, người dân Thủ đô Hà Nội mong muốn cùng người dân Mỹ và các dân tộc khác trên thế giới không bao giờ muốn nhắc tới hai từ chiến tranh, cùng nắm tay nhau thiết lập một môi trường sống hòa bình. Bởi cái giá của chiến tranh đã quá đắt, quá đủ!

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích