Kỳ cuối: Lan tỏa mô hình “rút gọn”
Tinh giản nhân sự
Ngày 16/11/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 (gọi tắt là Nghị quyết số 131) về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tiếp đến ngày 9/12/2020 Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 (Nghị quyết số 1111) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131, trong đó quy định về quyền giám sát của HĐND TP.HCM, giao thêm nhiệm vụ giám sát quận và phường nơi không còn tổ chức HĐND.
Như vậy sau khi sắp xếp, TP.HCM hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện), so với trước giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện; có 312 đơn vị hành chính cấp xã, so với trước khi sắp xếp giảm 10 đơn vị.
Lễ công bố Nghị quyết 1111 của UBTVQH về việc thành lập thành phố Thủ Đức, thuộc TP.HCM. |
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, sau 2 năm (2021, 2022) thực hiện Nghị quyết số 131 và Nghị quyết số 1111, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Đây là cơ hội lớn để thành phố phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Về tổ chức bộ máy, Thành phố tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã có 30 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, 94 đại biểu trúng cử HĐND TP.HCM, 209 đại biểu trúng cử HĐND thành phố Thủ Đức, HĐND 5 huyện (Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ) và 1.182 đại biểu trúng cử HĐND xã, thị trấn.
Về công tác sắp xếp nhân sự, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 131, Nghị quyết 1111, đối với các trường hợp dôi dư do không tổ chức HĐND quận, phường, tính đến ngày 1/7/2021, thành phố Thủ Đức, các quận và phường đã hoàn thành việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách đối với 291 trường hợp là cán bộ chuyên trách HĐND quận, phường.
Đối với các trường hợp dôi dư khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1111, (Ủy ban nhân dân) UBND thành phố Thủ Đức và và các quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận đã thực hiện, sắp xếp, bố trí lại và giải quyết chế độ, chính sách đối với 241 trường hợp. Trong khi đó, đối với việc sắp xếp, bố trí nhân sự tại thành phố Thủ Đức theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập thành phố Thủ Đức, tính đến hiện nay đã sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách đối với 114/227 biên chế công chức, người lao động. Hiện thành phố Thủ Đức vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc và chưa thể hoàn tất việc sắp xếp, bố trí lại đối với 54 trường hợp đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ (ở giữa) trao quyết định cán bộ cho HĐND thành phố Thủ Đức sau khi sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức. |
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, việc giảm bớt HĐND cấp cơ sở và giảm bớt bộ máy quản lý hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao tính tự chủ, năng động, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính Nhà nước.
Việc rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại địa bàn phù hợp với phẩm chất, năng lực cán bộ, tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí công tác mới và nguyện vọng của cá nhân. Đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được sắp xếp, bố trí lại cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Sau khi có kết quả bầu cử nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND TP.HCM đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động và nâng cao chất lượng đại biểu HĐND Thành phố. Bộ máy chuyên trách của HĐND Thành phố được tăng về số lượng và chất lượng, nhất là việc bổ sung 4 ủy viên chuyên trách cho các Ban của HĐND Thành phố, qua đó phát huy tốt nguồn lực cơ quan dân cử, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 – 2026 khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo từng nghị quyết, chính sách được thực thi trong đời sống và đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền lợi, ý chí của người dân.
Qua 2 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (2021, 2022), Thường trực HĐND TP.HCM và các Ban của HĐND Thành phố đã tổ chức 312 cuộc giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM, thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, chương trình giảm nghèo bền vững…. Qua kết quả giám sát, khảo sát, HĐND Thành phố đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành, thành phố Thủ Đức, các quận huyện tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn.
Dù không tổ chức HĐND quận, phường nhưng các hoạt động hành chính vẫn diễn ra bình thường, quyền làm chủ và giám sát của nhân dân vẫn được đảm bảo và phát huy ở mức cao nhất. Trong ảnh: Hoạt động hành chính tại phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức sau khi thành lập thành phố Thủ Đức. |
Đánh giá hoạt động của HĐND các cấp sau 2 năm thực hiện chính quyền đô thị, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, để đảm bảo hoạt động theo yêu cầu thực tiễn, Tổ đại biểu HĐND tại địa bàn ứng cử cũng được phát huy, nhất là 16 quận không có HĐND quận, phường. Phát huy vai trò của chuyên gia trong tham gia hoạt động giám sát, tập trung theo dõi kiến nghị cử tri thông qua Tổ đại biểu; tiếp tục lắng nghe đề xuất kiến nghị cử tri qua đường dây nóng 1022 của HĐND Thành phố.
Ngoài ra, sau giám sát, các Đoàn giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND đã đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giải quyết kịp thời những vấn đề nhân dân kiến nghị, bức xúc. HĐND Thành phố cũng tiếp tục quan tâm giám sát đối với UBND quận, phường nơi không tổ chức HĐND với các nội dung cụ thể. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND Thành phố tiến hành chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận tại kỳ họp HĐND Thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND TP.HCM vẫn còn những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm như theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát hiệu quả chưa cao, chưa có chế tài đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc kiến nghị sau giám sát.
Tại hội thảo “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TP.HCM” tổ chức vừa qua, ông Phạm Đức Hải, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động HĐND các cấp, HĐND Thành phố cần tăng cường giám sát việc bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của Thành phố.
Bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Thành ủy Thành phố để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND Thành phố phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND Thành phố, trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND – UBND Thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Ngoài ra cần đổi mới hoạt động giám sát của HĐND Thành phố bằng nhiều hình thức gồm giám sát tại kỳ họp, chất vấn và trả lời chất vấn; triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ mối quan hệ với cử tri và phát huy quyền làm chủ của nhân dân như tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tổ chức các diễn đàn, đối thoại, hội nghị, hội thảo; tiếp tục thực hiện Chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền”.
TP.HCM cần tiếp tục có nhiều chính sách đặc thù để phát triển đột phá, xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong quá trình đó, HĐND các cấp TP.HCM đóng vai trò hết sức quan trọng, đại diện quyền lực Nhà nước tại địa phương, là tiếng nói của cư tri, kiến tạo và giám sát việc thực thi chính sách. |
Để tiếp tục phát huy cơ chế, chính sách đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét, trong đó có việc không tổ chức HĐND quận, phường khi tổ chức chính quyền đô thị, UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép Thành phố được quyền ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan, tổ chức hành chính do số lượng biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên đã được ấn định, không tăng. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho HĐND TP.HCM được quyết định thêm số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Trải qua chặng đường 47 năm hình thành và phát triển đầy tự hào, HĐND các cấp TP.HCM đã và đang tiếp tục hoàn thành sứ mệnh là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và Thành ủy TP.HCM, đem lại hiệu quả thiết thực; xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Nguồn: Báo lao động thủ đô