Kỳ 2: Bí quyết từ những cách làm hay
Cầu nối giữa người dân với chính quyền
Nhiều năm liền, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình (HTV), Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố thực hiện chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố”.
Trong đó, chương trình “Lắng nghe và trao đổi” được ghi hình và phát sóng mỗi tháng một lần vào lúc 09g00 đến 10g30 ngày Chủ nhật tuần đầu tiên của tháng. Từ tháng 8/2016 – 4/2019, Chương trình đã thực hiện 34 kỳ, gắn với 28 chủ đề, trên 50 clip phóng sự với hơn 400 ý kiến.
Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” được phát thanh trực tiếp từ 09g00 – 10g00 sáng thứ Bảy tuần cuối tháng. Tham gia chương trình có đại diện lãnh đạo Ban của HĐND Thành phố, đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan. Từ tháng 7/2016 – 3/2019, Chương trình đã thực hiện 33 kỳ, gắn với 24 chủ đề.
Chương trình “Dân hỏi – chính quyền trả lời” là cách làm hay, hiệu quả, thiết thực của HĐND TP.HCM. |
Tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết: Hai chương trình đã phát huy vai trò thông tin tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, cung cấp kịp thời những thông tin mới của chính quyền Thành phố đến với người dân; đưa những kiến nghị, phản ánh của người dân đến với các ngành chức năng để cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, giữ được lời hứa của mình trước nhân dân.
Hai chương trình cũng đã mở ra diễn đàn dân chủ để tổ chức Đảng, chính quyền các cấp lắng nghe trực tiếp ý kiến, kiến nghị của người dân và tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đáng chú ý, trong thời gian thực hiện các đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, từ tháng 8/2021 HĐND TP.HCM đã phối hợp với HTV tổ chức chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”. Được thực hiện trong 20 số, chương trình có sự tham gia của những người có trách nhiệm cao nhất của chính quyền Thành phố cùng nhiều lãnh đạo cao nhất của các sở, ngành, địa phương, giúp người dân nắm rõ và tin tưởng hơn vào các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế của TP.HCM.
Chương trình là cầu nối giữa cử tri và lãnh đạo cao nhất TP.HCM. Trong ảnh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (ngoài cùng bên phải) tham gia chương trình để trả lời các câu hỏi của cử tri, người dân Thành phố. |
Chương trình thu hút được sự quan tâm rất lớn của người dân, tính đến ngày 29/10/2021, tổng lượt xem chương trình gần 11,3 triệu lượt; tổng số người xem chương trình ở cùng một thời điểm gần 500.000 người. Số lượng câu hỏi nhận được thông qua Google Form là 27.518 câu hỏi và thông qua tương tác livestream là 419.243 câu hỏi, xoay quanh các nội dung chính về y tế – điều trị, vaccine, an sinh – cứu trợ, bảo hiểm xã hội, giao thông vận tải, giáo dục, an ninh trật tự và kế hoạch phục hồi sau khi hết giãn cách.
Qua chương trình cho thấy sự mạnh dạn, tiên phong trong cách làm, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng mạng xã hội để thực hiện chương trình vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa có thể tận dụng sức mạnh của mạng xã hội trong việc chuyển tải thông tin đến người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Bằng việc sử dụng công cụ truyền thông mới trên mạng xã hội, Chương trình đã trở thành một kênh cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật đang lan rộng như hiện nay.
Bên cạnh đó, thông qua Chương trình, nhiều vấn đề mà người dân thắc mắc, trăn trở đã được các lãnh đạo sở ngành, địa phương giải đáp một cách trực diện, ngay tại chương trình. Chương trình cũng là kênh thu thập thông tin trực tiếp từ xã hội tới lãnh đạo Thành phố, qua đó phục vụ công tác điều hành, quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, ngụ quận 12 nhớ lại: Vào thời điểm giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, bản thân anh và nhiều người ở trọ hết sức hoang mang, thiếu thốn nhu yếu phẩm. Khi xem được chương trình, thấy được các thông tin và chính sách nên bản thân đã yên tâm hơn, quyết định không rời Thành phố, ở lại để tìm công việc mới, cùng Thành phố vượt qua đại dịch.
Miệt mài đổi mới hoạt động
Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19, ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành trong đó có HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp bất thường, các kỳ họp chuyên đề để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Trong mỗi nhiệm kỳ, HĐND TP.HCM đều có những đổi mới phương thức hoạt động. Đơn cử, các ứng cử viên bầu chức danh lãnh đạo phải trình bày chương trình hành động trước khi tiến hành bỏ phiếu. Sự đổi mới này làm cơ sở để HĐND và cử tri giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo.
Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra từ ngày 18/4/2023. |
Đơn cử, Kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra từ ngày 7 – 9/12/2022 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 26 lượt đại biểu tham gia hỏi 58 câu hỏi, trong đó có chất vấn Chủ tịch UBND quận. Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM đã thông qua 36 nghị quyết liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, an sinh – giáo dục – đào tạo. Trong đó, Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2023 xác định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt từ 7,5 – 8%, tổng thu ngân sách đạt 469.681 tỷ đồng, khách quốc tế đến Thành phố đạt khoảng 4,5 – 5 triệu lượt, giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người.
Đánh giá về dấu ấn hoạt động HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021, bà Nguyễn Thị Lê, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: Các đại biểu HĐND Thành phố đã nỗ lực thực hiện tốt nhất vai trò của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, luôn lắng nghe ý kiến của cử tri, không chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường kỳ của HĐND mà còn chủ động tiếp xúc với nhân dân qua nhiều phương thức khác như các diễn đàn, kênh truyền thông, hệ thống của Mặt trận tổ quốc các cấp… Việc tiếp xúc với từng ngành, từng giới cũng được chú trọng thực hiện.
Định kỳ hàng năm, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình “Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi” để lắng nghe trẻ em; gặp gỡ và trao đổi với trí thức, các nhà khoa học, doanh nhân, các chuyên gia về kinh tế. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Thường trực, các Ban HĐND TP.HCM, các đại biểu lắng nghe, ghi nhận một cách đầy đủ và chuyển đến UBND TP.HCM, các sở, ngành có liên quan xem xét, giải quyết, báo cáo kết quả trả lời kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND Thành phố.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua nhiều chính sách quan trọng tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026). |
HĐND TP.HCM và từng đại biểu HĐND TP.HCM luôn lắng nghe, từ đó đề xuất, nghiên cứu xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp, cùng thúc đẩy giải quyết và giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết kịp thời những mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Bằng sự kiên trì, quyết liệt và dũng khí, các đại biểu HĐND TP.HCM đã nỗ lực đeo bám, theo đuổi tới cùng để đảm bảo những ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết triệt để.
HĐND TPHCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) cũng đã bước đầu thực hiện các kỳ họp ít giấy, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa giúp đại biểu tìm kiếm thông tin, tài liệu để nghiên cứu, đề xuất những ý kiến chất lượng, phù hợp với thời đại 4.0 và chuyển đổi số. Với sự sáng tạo này, HĐND TP.HCM là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước áp dụng việc tổ chức kỳ họp ít giấy. Đồng thời triển khai có hiệu quả các hình thức giám sát mới, giám sát chuyên đề, giám sát của từng Tổ đại biểu. Nhất là việc giám sát tại các phiên họp giải trình của Thường trực HĐND, tái giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, giải quyết những vấn đề, vụ việc, đề án, công trình chậm tiến độ. Các đại biểu HĐND tăng cường tiếp công dân, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, kiến nghị của người dân.
Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND TP.HCM đã ban hành hơn 300 nghị quyết, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế; thực hiện 129 cuộc giám sát chuyên đề, tổ chức 315 cuộc giám sát, bám sát những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Sau giám sát đã đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục những hạn chế và tồn tại nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp…
Nhiều nghị quyết của HĐND TP.HCM ban hành đã tháo gỡ điểm nghẽn, giúp Thành phố phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Dự án cầu Thủ Thiêm 2 vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn diện mạo đô thị hiện đại cho TP.HCM. |
Bước vào những tháng đầu năm 2023, tiến độ giải ngân đầu tư công của nhiều Bộ ngành, địa phương trên cả nước chưa đạt mục tiêu như Chính phủ yêu cầu, trong đó có TP.HCM. Để “thúc tiến độ” đầu tư công, cuối tháng 2/2023 HĐND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giám sát về việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, HĐND Thành phố sẽ giám sát trực tiếp tại UBND Thành phố, các sở, UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện, các ban quản lý. Nội dung giám sát thuộc lĩnh vực đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả tổ chức thực hiện, giám sát việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện công tác đầu tư công…
Thực hiện kế hoạch này, vào ngày 31/3 vừa qua, HĐND TP.HCM đã bắt đầu khảo sát về tiến độ triển khai thực hiện một số dự án đầu tư công trên địa bàn quận Phú Nhuận như dự án xây dựng mới bệnh viện quận, dự án cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung, 6 dự án trường học, 3 dự án nâng cấp, mở rộng hẻm… Điều này cho thấy sự quyết liệt, đeo bám của HĐND TP.HCM trong vai trò giám sát, đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm chỉnh và hiệu quả đối với các cơ quan chính quyền Thành phố.
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo lao động thủ đô