Kỳ 1: Khi mọi ngóc ngách của đời sống đều được “phủ” luật

Cùng với sự vào cuộc tích cực, chung sức, đồng lòng, trách nhiệm cao của Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội… với vai trò là cơ quan soạn thảo – Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiều năm qua đã không ngừng đổi mới trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (dự án luật)…

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ Quốc hội Khóa X – XIV, hoạt động lập pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội và dần chuyên nghiệp hơn. Trong vòng 30 năm, Quốc hội đã ban hành được 460 đạo luật, 516 Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 148 pháp lệnh bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội như: Tổ chức bộ máy, quyền con người, quyền công dân, kinh tế, doanh nghiệp, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, tư pháp…

Kỳ 1: Khi mọi ngóc ngách của đời sống đều được “phủ” luật
Những đạo luật được Quốc hội thông qua thực sự đi vào cuộc sống (ảnh minh họa)

Nổi bật là kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, đây là kỳ họp đã đạt kỷ lục về số lượng Luật được ban hành bao gồm Hiến pháp 2013 và 108 đạo luật. Quốc hội Khóa XIV tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp, đi sâu sửa đổi và ban hành các đạo luật trên các lĩnh vực cụ thể điều chỉnh tổ chức bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, các đạo luật chuyên ngành thích ứng với giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, cùng yêu cầu đổi mới trong phát triển đất nước và quan hệ quốc tế đặt ra. Với 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được Quốc hội XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy Nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Bên cạnh đó, ngay tại 4 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 13 luật, 40 Nghị quyết… các Luật được ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn; tiếp tục góp phần quan trọng thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời mở ra những cơ hội mới để Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, có thể thấy, cùng với việc ban hành các Bộ luật nhằm hoàn thiện các thể chế kinh tế, phát triển thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội Việt Nam còn ban hành nhiều Bộ luật “thép” nhằm phục vụ chiến lược bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự… Tiêu biểu phải kể đến các Bộ luật như: Luật Quốc phòng; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; luật Công an nhân dân; luật An ninh mạng; luật Biên phòng Việt Nam; luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Hình sự; luật khiếu nại, tố cáo; luật Tạm giam, tạm giữ…

Điển hình trong các bộ luật mang chất “thép” được Quốc hội thông qua trong quá xây dựng, phát triển đất nước phải kể đến đó là Bộ luật Hình sự. Trong hệ thống pháp luật của nước ta thì có thể nói rằng Bộ luật Hình sự (ra đời đầu tiên năm 1985) là văn bản đưa ra các quy phạm pháp luật mang tính răn đe nhất dành riêng cho những hành vi vi phạm được coi là tội phạm. Chính vì vậy, Bộ luật này giữ vai trò cũng như những nhiệm vụ đặc trưng, góp phần thay đổi tích cực sự ổn định của xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật.

Các quy định của Bộ luật Hình sự và các nội dung trong Luật sửa đổi, bổ sung đã thể hiện rõ tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm với phương châm giáo dục, phòng ngừa là chính; kết hợp với răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của mọi công dân, chủ động tham gia công tác phòng, chống tội phạm; phát huy được sức mạnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị xã hội.

Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Bộ luật gồm có 3 Phần, 26 chương, 426 điều. Bộ luật đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Để luật pháp được thượng tôn - Kỳ 1: Những đạo luật “thép”
Luật Phòng, chống tham nhũng hướng đến mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo hướng phi tội phạm hóa đối với một số tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đó…

Còn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 12/6/2018, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua luật An ninh mạng. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, chính sách của Nhà nước về an ninh mạng là ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại; xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng và tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lần đầu tiên, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua vào năm 2005. Sau đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã khắc phục hạn chế, bất cập mà qua tổng kết 10 năm thi hành luật cũ đã chỉ ra. Đó là những hạn chế bất cập về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kể từ các biện pháp công khai minh bạch, quy định về kiểm soát, xung đột lợi ích, quy định về quy tắc ứng xử, quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ… lần này đều được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, có thể thấy, cùng với việc ban hành các bộ luật nhằm hoàn thiện các thể chế kinh tế, phát triển thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội Việt Nam còn ban hành nhiều bộ luật “thép” nhằm phục vụ chiến lược bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự… Tiêu biểu phải kể đến các bộ luật như: Luật Quốc phòng; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; luật Công an nhân dân, luật An ninh mạng; luật Biên phòng Việt Nam; luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Hình sự; luật Khiếu nại, tố cáo; luật Tạm giam, tạm giữ…

(Còn nữa)

Nhóm PV

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích