Kỳ 1: Dấu ấn thời kỳ đổi mới

Những dấu mốc lịch sử

Lịch sử phát triển HĐND TP.HCM gắn liền với quá trình hình thành và phát triển hành chính thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Gia Định và nay là TP.HCM. Sau giai đoạn đổi mới (Đại hội VI năm 1986 của Đảng), HĐND Thành phố càng phát huy vai trò làm chủ, giám sát của nhân dân.

HĐND TP.HCM là cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương ở TP.HCM, có nhiệm vụ bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước trên địa bàn Thành phố, thực hiện quyền giám sát của nhân dân với hoạt động của Thường trực HĐND Thành phố, Ủy ban nhân dân (UBND), Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Thành phố. Hiện nay HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) có 94 đại biểu trúng cử, có các ban chuyên trách gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Đô thị và Ban Văn hoá – Xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14, Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) yêu cầu thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tại Kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) diễn ra ngày 9/12/2020, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM.

Đây tiếp tục là bước tiến mới của HĐND TP.HCM. Đặc biệt, ngày 16/11/2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 (gọi tắt là Nghị quyết 131) về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tiếp đến ngày 9/12/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 (gọi tắt là Nghị quyết 1111) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Với 2 Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, Quốc hội đã cho phép thí điểm sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức; không tổ chức HĐND cấp quận, phường tại TP.HCM kể từ ngày 1/7/2021.

Giải báo chí Diên Hồng 2023: Hoạt động của HĐND các cấp nhìn từ thành phố mang tên Bác – Kỳ 1: Dấu ấn thời kỳ đổi mới
Nghị quyết 1111 của UBTVQH cho phép thành lập thành phố Thủ Đức, tạo động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM.

Chia sẻ với báo chí về dấu ấn hoạt động HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, suốt 5 năm qua, HĐND TP.HCM Khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Đặc biệt, thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ trong nhiệm kỳ, các ứng cử viên bầu chức danh lãnh đạo phải trình bày chương trình hành động trước khi tiến hành bỏ phiếu. Sự đổi mới này làm cơ sở để HĐND các cấp và cử tri giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo.

Chỉ riêng trong khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) HĐND TP.HCM đã cụ thể hóa việc xây dựng chính quyền đô thị, góp phần hình thành và đưa thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động. Quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; ưu đãi bổ sung dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn điện tử Samsung tại Khu Công nghệ cao; quyết định về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và xử lý chất thải; quyết định về thực hiện đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng; quyết định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cho chủ trương về một số chế độ để phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM…

Giải báo chí Diên Hồng 2023: Hoạt động của HĐND các cấp nhìn từ thành phố mang tên Bác – Kỳ 1: Dấu ấn thời kỳ đổi mới
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ điều hành kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra ngày 18/4/2023.

“Đây đều là những vấn đề thiết thực với đời sống vật chất, tinh thần của người dân TP.HCM, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để TP.HCM phát triển bứt phá. Từ những nghị quyết này đã hình thành các chính sách, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị cơ sở tổ chức thực hiện, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, của nhân dân, thúc đẩy TP.HCM phát triển một cách bền vững”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.

Lợi ích nhân dân là trên hết

Trong bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào, hệ thống chính trị TP.HCM, trong đó có HĐND TP.HCM khi quyết định các quyết sách đều đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, trước hết. TP.HCM là nơi “xé rào”, đổi mới, chuyển “nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp” sang “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước”. Thực tiễn, kinh nghiệm và sự thành công của TP.HCM mà người khởi xướng là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh đã trở thành quan điểm, đường lối đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986).

Để chủ trương này của Thành ủy TP.HCM đi vào cuộc sống, nhanh chóng phát huy hiệu quả không thể không nói đến vai trò của HĐND TP.HCM vào thời điểm lịch sử đó. Tại hội thảo “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP.HCM”, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng: Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà hầu hết trên tất cả các lĩnh vực, Thành phố đều có những cách làm sáng tạo. Đã có nhiều kết quả quan trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo, di dời nhà trên và ven kênh rạch, nổi bật là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Mạnh dạn thực hiện cải cách hành chính với mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”. Thành phố cũng đã đi đầu trong việc triển khai xây dựng Trung tâm phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao…

Giải báo chí Diên Hồng 2023: Hoạt động của HĐND các cấp nhìn từ thành phố mang tên Bác – Kỳ 1: Dấu ấn thời kỳ đổi mới
Diện mạo đô thị hiện đại của TP.HCM luôn gắn với nhiều quyết sách, chủ trương lớn của HĐND TP.HCM.

Nhắc đến diện mạo đô thị hiện đại của TP.HCM ngày nay càng không thể không nói đến các nghị quyết của HĐND TP.HCM được ban hành, tạo hành lang pháp lý để chính quyền các cấp của Thành phố thực hiện. Đơn cử là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm…

Trong vấn đề dân sinh, các nghị quyết của HĐND TP.HCM đã góp phần tạo không ít “kỳ tích” khi thực hiện thành công Chương trình xóa đói giảm nghèo (sau đó nhân rộng mô hình này ra cả nước), cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, di dời nhà trên và ven kênh rạch…

Giải báo chí Diên Hồng 2023: Hoạt động của HĐND các cấp nhìn từ thành phố mang tên Bác – Kỳ 1: Dấu ấn thời kỳ đổi mới
Nhờ quyết sách của HĐND TP.HCM, tuyến kênh Đôi – Tẻ đã được cải tạo, trở thành dòng kênh thơ mộng của Thành phố.

Tại các kỳ họp chuyên đề, HĐND TP.HCM đã chất vấn chính quyền các cấp để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn các dự án “treo”, các dự án chậm tiến độ hoặc triển khai các dự án có tính chất cấp bách, phục vụ cuộc sống người dân như xây dựng hệ thống cầu vượt bằng thép để giải quyết ùn tắc giao thông, triển khai dự án chống ngập, ngăn triều, cải thiện vệ sinh môi trường, thu phí kết cấu hạ tầng cảng biển…

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án mang tính đột phá, góp phần quan trọng để hình thành nên mô hình Khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức), Khu nông nghiệp công nghệ cao (quận 12), phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm mang đậm đặc trưng của Thành phố…

Đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, nhất là vào cao điểm năm 2021, TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay vào thời điểm chống dịch cam go, thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài, trên diện rộng khiến kinh tế sụt giảm, tâm lý, đời sống người dân, doanh nghiệp bị đảo lộn, HĐND TP.HCM đã thay đổi cách tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn đảm bảo các ý kiến của cử tri vẫn được tiếp nhận đầy đủ.

Lần lượt một số nghị quyết được HĐND TP.HCM thông qua như Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND về một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Giữa cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, các nghị quyết được ban hành kịp thời như nhân thêm nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ tinh thần phòng, chống dịch trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố. Chính những nghị quyết này đã sớm ổn định tâm lý, đời sống lực lượng lao động, doanh nghiệp, từ đó giúp Thành phố sớm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Nhờ đó, trong năm 2022 tăng trưởng kinh tế của TP.HCM tăng 9,03% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 – 6,5%), thu ngân sách đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao. Kinh tế TP.HCM phục hồi sớm hơn kỳ vọng, các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, sản xuất công nghiệp đạt khá.

Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 ở khu vực phía Nam tổ chức vào tháng 3/2022 tại TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các tỉnh, thành phố phía Nam chịu tác động nặng nề nhất cả nước, nhưng cả hệ thống chính trị đã rất nỗ lực, trong đó có sự đổi mới, sáng tạo của HĐND với với sự kế thừa, thể hiện bản lĩnh, tinh thần tìm tòi, khát khao cống hiến. Dường như có một luồng gió mới, tươi mới hơn, năng động, sáng tạo hơn, bám sát thực tiễn hơn, đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, tiêu biểu là TP.HCM.

(Còn tiếp)

Xuân Tình

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích