Kon Tum: Cần xử lý dứt điểm việc “giữ tiền hỗ trợ” của người dân sai quy định

“Giữ” tiền trái quy định

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định 741/QĐ-UBND ngày 18/07/2019 với tổng mức đầu tư hơn 145 tỷ đồng để xây dựng 4 điểm tái định cư tập trung và 2 điểm tái định cư tại chỗ.

Đối với 2 điểm tái định cư tại chỗ, hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai, nguy cơ ngập lụt, sạt lở nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 hộ để nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai khác. Trên cơ sở đó, UBND huyện Đăk Glei giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư.

Trong đó thôn Đăk Bối có 71 hộ được UBND huyện Đăk Glei phê duyệt đủ điều kiện hỗ trợ tái định cư tại chỗ với số tiền 710 triệu đồng (10 triệu đồng/1 hộ).

Phản ánh với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, anh A Đối, trú tại thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong cho biết “Năm 2019 có 71 hộ dân tại thôn Đăk Bối được thông báo xuống UBND xã Mường Hoong nhận tiền hỗ trợ, mỗi hộ là 10 triệu đồng để nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai. Lúc đó, người dân rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ. Ai cũng mong nhận được số tiền hỗ trợ để mua thêm tấm tôn, miếng gỗ gia cố lại ngôi nhà tạm bợ của mình”.

Kon Tum: Cần xử lý dứt điểm việc
Nhiều người dân như anh A Đối mong muốn được nhận hết số tiền hỗ trợ để sữa chữa lại nhà và mua vật dụng phòng chống thiên tai.

Tuy nhiên khi 71 hộ dân có mặt đầy đủ ở UBND xã thì mỗi hộ chỉ được phát 2 triệu đồng, còn 8 triệu đồng bị xã “giữ” lại. Khi các hộ dân thắc mắc thì xã lấy lý do “để trả tiền san ủi mặt bằng khu tái định cư.

“Nếu có được 10 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, người dân có thể sửa sang nhà cửa cho chắc chắn, an toàn hơn khi mùa mưa bão đến. Nhưng với số tiền 2 triệu đồng thì không làm được gì cả. Sau khi người dân yêu cầu xã trả lại tiền thì đến tháng 3/2023, cán bộ dưới xã mới lên họp thôn và phát thêm cho mỗi hộ là 6 triệu đồng”, anh A Đối cho biết thêm.

Khi được hỏi về số tiền 2 triệu được hỗ trợ, anh A Êm, thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong xác nhận: “Với 2 triệu tiền này người dân không đủ mua tôn và thuê người xẻ ván gỗ để sửa sang lại nhà cửa, nên người dân đã tiêu xài hết”.

Kon Tum: Cần xử lý dứt điểm việc
Thôn Đăk Bối có 71 hộ dân được phê duyệt đủ điều kiện nhận hỗ trợ 710 triệu đồng nhưng đã bị xã Mường Hoong “giữ” lại 568 triệu đồng.

Theo anh A Lăm – Trưởng thôn Đăk Bối: “Trước đây tại UBND xã Mường Hoong có phát tiền hỗ trợ cho 71 hộ dân thôn Đăk Bối, mỗi hộ 2 triệu đồng, đến tháng 3/2023 phát thêm 6 triệu đồng cho người dân. Còn 2 triệu xã giữ lại để mua cây giống cho khu tái định cư mới”.

Khu tái định cư mới được bố trí cách thôn 400m Đăk Bối, do sợ sạt lở nên các hộ dân không dám ra đó ở. Việc này phải nhờ kế hoạch của Nhà nước để sớm san ủi mặt bằng cho các hộ dân. Cũng vì các hộ dân không ra khu tái định cư mới ở nên họ yêu cầu phải trả lại tiền.

Trong khi đó, các hộ dân ý kiến, 10 triệu đồng là số tiền Nhà nước hỗ trợ người dân nâng cấp nhà ở và mua vật dụng phòng chống thiên tai, không phải để san ủi mặt bằng tái định cư nên đã yêu cầu xã phải trả lại”, A Lăm cho biết thêm.

Chậm xử lý trách nhiệm

Trước đó ngày 26/12/2022, UBND huyện Đăk Glei có thông báo về kết quả kiểm tra công tác triển khai thực hiện dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei tại thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong.

Kết quả kiểm tra xác định, sau khi phát tiền cho các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ, BQLDA ĐTXD huyện (chủ đầu tư) chưa kịp thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quyền hạn của chủ đầu tư dẫn tới việc để UBND xã và các hộ dân thụ hưởng, sử dụng kinh phí sai mục đích.

Sau khi các hộ dân được nhận tiền hỗ trợ, UBND xã Mường Hoong và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện việc nâng cấp nhà ở và mua vật dụng phòng chống thiên tai của các hộ gia đình được hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong và đại diện các ban, ngành thôn Đăk Bối đã thu 568 triệu đồng (71 hộ x 8 triệu đồng) để hỗ trợ tiền cây cối, hoa màu cho các hộ dân đã hiến đất làm khu tái định cư và thuê máy san ủi khu tái định cư tập trung khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng và không đúng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025.

Kon Tum: Cần xử lý dứt điểm việc
Đến hiện tại, 71 hộ dân thôn Đăk Bối vẫn chưa nhận được hết tiền hỗ trợ để nâng cấp nhà ở và mua vật dụng phòng chống thiên tai.

Đồng thời, khi BQLDA ĐTXD huyện Đăk Glei báo cáo UBND huyện Đăk Glei kết quả kiểm tra các khu tái định cư tại chỗ, Phòng NN&PTNT và UBND xã Mường Hoong không thực hiện chỉ đạo của UBND huyện để tham mưu đề xuất biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến gây dư luận kéo dài trong nhân dân.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Đăk Glei yêu cầu Giám đốc BQLDA ĐTXD huyện Đăk Glei, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong và Trưởng phòng NN&PTNT kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; thu hồi và hoàn trả số tiền 568 triệu đồng đã thu của các hộ dân trước ngày 10/1/2023; hoàn trả lại hiện trạng ban đầu vị trí đất san ủi để cho các hộ dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện Đăk Glei giao Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện Đăk Glei kiểm điểm trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân, hoàn thành trước ngày 10/1/2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết: Dự án hỗ trợ tái định cư tại chỗ ban đầu được duyệt 68 hộ dân (tương đương 680 triệu đồng) và bà con lấy về làm mặt bằng hết 497 triệu đồng, còn lại 183 triệu đồng bà con chia mỗi hộ 2 triệu đồng. Sau này, phê duyệt đợt 2 thêm 3 hộ (30 triệu đồng) bà con cũng lấy về chia nhau.

Khi phóng viên thắc mắc về số tiền 10 triệu đồng huyện Đăk Glei hỗ trợ để nâng cấp nhà ở và mua vật dụng phòng chống tiên tai nhưng lại được sử dụng để san ủi khu đất tái định cư thì ông Lê Bá Thế, cho biết: “Phòng NN&PTNT huyện và UBND xã giám sát không đúng mục đích nên để bà con làm mặt bằng, chính vì vậy cá nhân phải khắc phục cái đó”.

Để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân khi để xảy ra vụ việc, nhất là hướng xử lý vấn đề, phóng viên Báo Lao động Thủ đô liên lạc và được ông Đinh Xuân Hoà – Trưởng phòng Nội vụ huyện Đăk Glei cho biết: “Tôi chưa thấy gì đâu và cũng không biết gì” (!).

Trong khi đó, ông Đỗ Đăng Dự – Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Glei cho biết: Liên quan đến việc “giữ” tiền của 71 hộ dân, các tập thể, cá nhân liên quan đã tổ chức kiểm điểm và gửi về Phòng Nội vụ huyện. Sau đó UBND huyện đã họp kiểm điểm nhưng đang chờ quy chế phối hợp với Ủy ban kiểm tra Huyện ủy huyện Đăk Glei theo quy định”.

Đời sống kinh tế của người dân đồng bào thôn Đăk Bối, huyện Đăk Glei hiện đang rất khó khăn, rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có việc đảm bảo an toàn về chỗ ở. Tuy nhiên qua sự việc trên cho thấy, một số đơn vị huyện Đăk Glei, xã Mường Hoong chưa sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư người dân và thực hiện chính sách. Vì thế, cơ quan chức năng của huyện Đăk Glei và xã Mường Hoong cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Trần Nghĩa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích