Kiến nghị điều chỉnh khung số lượng cấp phó với phòng thuộc Sở

Sở Nội vụ thành phố Hà Nội vừa tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Để hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2024, Sở Nội vụ đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo đó, Sở sẽ tập trung tham mưu, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025.

Đồng thời, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) triển khai Luật Thủ đô sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua. Hướng dẫn, rà soát xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã và xác định số lượng người làm việc, xây dựng phương án giao chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan, địa phương, đơn vị khối chính quyền Thành phố phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn.

Kiến nghị điều chỉnh khung số lượng cấp phó với phòng thuộc Sở
Thành phố Hà Nội triển khai công tác Nội vụ năm 2024.

Trong năm, Sở cũng sẽ hướng dẫn, triển khai công tác chuyển xếp lương đối với công chức, viên chức thuộc Thành phố sau khi Chính phủ ban hành các quy định chi tiết việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Nội vụ; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc Thành phố; cơ sở dữ liệu công tác văn thư, lưu trữ lịch sử điện tử và lưu trữ điện tử của cơ quan phục vụ chuyển đổi số ngành Nội vụ…

Đáng quan tâm, Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị Chính phủ phân cấp để UBND Thành phố thành lập tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện, thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với “đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh”. Hiện nay, thẩm quyền thành lập tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện, và thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với “đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Nội vụ cũng kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sát với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và có tính bền vững, để cán bộ, công chức, người lao động yên tâm công tác. Đồng thời quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Sở cần đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành để địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ thống nhất; hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về cách tính “khối lượng công việc”, định mức biên chế.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh khung số lượng cấp phó đối với đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

Hiện nay tại thành phố Hà Nội có phòng số lượng biên chế lớn (trên 40 người), khối lượng công việc lớn như phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc bố trí không quá 3 phó trưởng phòng như quy định sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành và giải quyết công việc.

Đồng thời, xem xét, điều chỉnh khung số lượng cấp phó đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; khung số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc của thành phố Hà Nội.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích