Khơi thông nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp văn hóa
Nhiều kết quả nổi bật trong phát triển công nghiệp văn hóa
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh vinh dự khi nhận được sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Đây là Hội nghị đầu tiên về công nghiệp văn hóa có quy mô toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ gợi mở, giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) với lời căn dặn “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. |
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2016 xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực. Trong đó, Bộ VHTTDL được giao quản lý trực tiếp 5/12 ngành (gồm: quảng cáo; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa).
Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới.
Kể từ ngày ban hành Chiến lược, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho hay, với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đã mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh việc Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là ba thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bên cạnh đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa – một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đối với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong thực hiện Công ước 2005 về bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO được thông qua năm 2005, ngày 22/11/2023, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 với số phiếu rất cao.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức.
Cụ thể, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Quang cảnh Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. |
Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này. Ngoài ra, chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất một số mục tiêu trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước (Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế…).
Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh về một số giải pháp trọng tâm, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển…
Tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn…tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Bổ sung Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Đồng thời, cần có sự phối hợp chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nguồn: Báo lao động thủ đô