Khánh thành công trình tôn tạo Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; "Địa chỉ đỏ" của Báo chí Cách mạng Việt Nam
Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Cách đây 75 năm, năm 1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Trường dạy làm báo, đặt tên Trường theo tên Cụ Huỳnh Thúc Kháng – bậc chí sĩ yêu nước mà Người rất kính trọng. Vì theo Người, cụ Huỳnh Thúc Kháng “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, đồng thời cũng là cây đại thụ bản lĩnh, mẫu mực của phong trào báo chí yêu nước, người sáng lập tờ báo Tiếng Dân năm 1927 để giáo dục, cổ động lòng yêu nước, kêu gọi tinh thần đoàn kết để phụng sự Tổ quốc.

Địa điểm Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với lớp dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đối với giới báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước, là dấu son lịch sử quan trọng của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Minh, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Với tầm vóc lịch sử này, ngày 4/4/2019, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đói với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí nước nhà.

Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; "Địa chỉ đỏ" của Báo chí Cách mạng Việt Nam
Trên tường xung quanh treo nhiều hình ảnh bài báo cũng như giới thiệu hình ảnh Ban Giám đốc gồm 5 người: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, chủ nhiệm báo Độc lập, Giám đốc; Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu quốc, Phó Giám đốc; Như Phong, Chủ nhiệm báo Cứu quốc Liên khu X, Ủy viên Thường trực; nhà văn, nhà báo Đồ Phồn, Ủy viên giám thị; Tú Mỡ, nhà thơ, nhà báo, Ủy viên đôn đốc.

Với mong muốn phát huy giá trị lịch sử của di tích, giúp di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành điểm đến của công chúng báo chí nói chung và người làm báo nói riêng, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên lập kế hoạch xây dựng khu lưu niệm và trưng bày trên địa điểm Di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 18/1/2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã khởi công xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ) và ngày hôm nay (9/8), công trình tu bổ, tu tạo Trường báo Huỳnh Thúc Kháng chính thức được khánh thành.

“Địa điểm Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với lớp dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với giới báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước, là dấu son lịch sử quan trọng của Báo chí Cách mạng Việt Nam”, ông Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Để công trình được hoàn thành sớm đúng kế hoạch, theo Nhà báo Lê Quốc Minh, nếu không có sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ thì tiến độ công trình không thể nhanh chóng như vậy.

Theo đó, để đảm bảo công tác phối hợp, UBND huyện Đại Từ có văn bản số 1491/UBND-TNMT từ ngày 12/7/2023 về việc phối hợp thực hiện lập dự án đầu tư “Xây dựng Khu lưu niệm tại địa điểm Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” tại xã Tân Thái theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam; huyện cũng là nơi cấp giấy phép xây dựng cho công trình và sau này là nơi tiếp nhận và quản lý di tích. Huyện Đại Từ đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong quá trình thực hiện công trình, từ các thủ tục ban đầu, đến chủ trương và giai đoạn khởi công, thi công…

Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; "Địa chỉ đỏ" của Báo chí Cách mạng Việt Nam
Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; "Địa chỉ đỏ" của Báo chí Cách mạng Việt Nam
Các em học sinh được giáo viên hướng dẫn đến tham quan, lắng nghe lịch sử về ngôi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 3415/QĐ-UBND ngày 28/12/2023, phê duyệt dự án và giao Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là căn cứ quan trọng nhất để từ đó tỉnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành hỗ trợ sát sao, gồm Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường… Tôi được biết có những cuộc họp liên quan dự án này thậm chí được tổ chức rất muộn vào buổi tối để kịp báo cáo lãnh đạo tỉnh và sớm ra các văn bản pháp lý.

Có thể nói, sau khi hoàn thành, di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là một bảo tàng báo chí Việt Bắc thu nhỏ, mà còn là di tích quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính phủ, chiến khu Việt Bắc và trên hết là “địa chỉ đỏ” của Báo chí Cách mạng Việt Nam, nơi nhắc nhớ, giáo dục các thế hệ làm báo về nguồn cội.

Từ nhiệm vụ này, quy mô của công trình cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng với nhiều hạng mục chính. Trong đó, ngoài Bia Địa điểm Di tích lịch sử Quốc gia dựng từ 2019 đã được tu bổ, tôn tạo thì còn có các cấu phần như sau: 1/ Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy; 2/ Ngôi nhà sàn – bảo tàng thu nhỏ về Báo chí Kháng chiến Việt Bắc 1946 – 1954, rộng 80m2, phỏng dựng nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến; 3/ Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường; 4/ Hội trường trong lòng đồi có thể phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa khoảng 150 người; 5/ Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2. Xung quanh có những khu vườn nhỏ trồng cây xanh tươi mát trong một không gian rất thoáng đãng.

Để phát huy hết các giá trị của khu di tích, trong thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đưa di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô gió ngàn” – Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”.

Hội Nhà báo cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến với các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội và chi hội nhà báo trong toàn quốc về “địa chỉ đỏ” của Báo chí Cách mạng Việt Nam, để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà.

Đây cũng là dịp cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; "Địa chỉ đỏ" của Báo chí Cách mạng Việt Nam
Toàn cảnh Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Anh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích