Khắc ghi những lời dạy của Người
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng như trong các tác phẩm báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ sự quan tâm, yêu thương và gắn bó sâu sắc đối với nhân dân, đặc biệt là những người công nhân lao động. Bên cạnh sự đồng cảm sâu sắc với nỗ lực không ngừng của người lao động, Bác Hồ còn đặt niềm tin vững vàng và nhiều tâm tư vào việc xây dựng giai cấp công nhân lao động. Song, qua nhiều bài báo và lời phát biểu, Bác cũng đã gửi gắm những tình cảm và hy vọng đối với giai cấp tiên phong này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Trong bài viết “Vì sao giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng?” trên Báo Cứu Quốc số 2284 ra ngày 2/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc phát triển và xây dựng đội ngũ người lao động cho đất nước và mong muốn giai cấp công nhân lao động ngày càng phấn đấu, trưởng thành hơn. Ngày 24/2/1959, trong bức thư gửi cho công nhân, chiến sĩ, nhân viên và cán bộ Xí nghiệp May 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, Người viết: “Bác rất vui lòng, các cô, các chú có tiến bộ khá về: Đoàn kết thân ái, liên tục thi đua, cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quản lý xí nghiệp. Chắc các cô, các chú đã tự thấy rằng: Tư tưởng thông thì công việc tốt, những kinh nghiệm ấy nên phổ biến cho các nhà May khác. Nhưng các cô, các chú chớ có thấy tiến bộ mà tự mãn, tự kiêu. Trái lại, cần phải cố gắng nữa để tiến bộ mãi”.
Người cũng nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khăn, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.
Không chỉ là một nhà báo lỗi lạc mang tư tưởng yêu nước thương dân, luôn sẵn sàng hỗ trợ giai cấp lao động của đất nước, Hồ Chí Minh còn được coi là người đặt những “lát gạch” đầu tiên lên con đường báo chí cách mạng Việt Nam.
Trải qua hơn 30 bôn ba, kinh qua nhiều sóng gió để tìm đường cứu nước Người đã học tập, tìm tòi và bắt đầu tham gia vào hoạt động báo chí từ những năm đầu tiên. Vào năm 1922, khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (dịch ra tiếng Việt là “Người cùng khổ”), thông qua đó thực hiện hoạt động tuyên truyền, tố cáo sự dã man của thực dân, giúp Việt Nam được nhân dân trên thế giới ủng hộ trong quá trình đấu tranh giành lấy tự do và độc lập.
Từ lâu, Người đã phát hiện ra vai trò của báo chí đối với quá trình hoạt động cách mạng và công cuộc đấu tranh giành tự do của dân tộc. Vì vậy, trong tư duy của Người, đối tượng nhất thiết phải hướng về “đại đa số dân chúng”, phải dành cho đông đảo nhân dân, không phải chỉ riêng biệt một tầng lớp hay bộ phận nào đó. Như người đã từng phát biểu: “Báo chí phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu…”
Đối với Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”. Qua đó, Người khẳng định vai trò quan trọng và liên quan mật thiết đối với văn hóa, đời sống xã hội của báo chí.
Người luôn nhấn mạnh vai trò “chiến sĩ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Thân là người mang chức trách tuyên truyền, cung cấp thông tin cho nhân dân quần chúng, nhà báo phải là người có hiểu biết rộng, tư tưởng đúng đắn, tâm hồn trong sáng và hướng thiện – cái người ta gọi là “đạo đức báo chí”. Bác Hồ rất coi trọng vấn đề này, luôn nhắc nhở mỗi dịp gặp các nhà báo đừng quên trau dồi đạo đức.
Có thể nói, báo chí vừa là phương tiện xây dựng và truyền bá văn hóa, vừa là một bộ phận cấu thành của nó. Bởi văn hóa cũng là một “mặt trận”, công tác văn hóa, tư tưởng luôn cần có một “đội quân” hùng hậu với thứ vũ khí “không cần chất nổ” nhưng lại có khả năng tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của nhân dân, hướng xã hội tới những mục đích tốt đẹp.
Với sự ra đời của báo Thanh Niên do Người sáng lập, trải qua thời gian, báo chí cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc ta liên tiếp giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sự can thiệp của đế quốc Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, có “vị thế” đặc biệt, tác động sâu sắc trong đời sống xã hội. Theo thống kê năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Dù bị tác động rất lớn bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo chí phải cạnh tranh gay gắt với các nền tảng truyền thông, mạng xã hội, song bất luận hoàn cảnh nào, những tư tưởng của Người về báo chí vẫn là kim chỉ nam để báo chí Việt Nam hướng đi.
Nguồn: Báo lao động thủ đô