Italy và các vấn đề nhức nhối: Dân số già, ô nhiễm không khí gia tăng

Italy và các vấn đề nhức nhối: Dân số già, ô nhiễm không khí gia tăng

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy, ô nhiễm không khí ngày một tăng và dân số già tiếp tục là các vấn đề nhức nhối cần giải quyết tại nước này

Dân số tại Italy đang ngày càng già đi trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 26/6 cho biết, cứ 100 người dưới 15 tuổi ở nước này thì có tới 187 người từ 65 tuổi trở lên.

Tỷ lệ sinh của phụ nữ Italy tăng nhẹ sau nhiều năm sụt giảm, với trung bình mỗi phụ nữ sẽ có 1,25 con vào năm 2021. Số lượng các cuộc hôn nhân và ly hôn cũng đều tăng nhẹ trong năm 2021.

Đáng chú ý, tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi từ 25-64 chỉ có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở ước tính là 37,4%, tăng lên 40,1% đối với nam giới và giảm xuống 34,8% đối với nữ giới.

tm-img-alt
Dân số tại Italy đang ngày càng già đi. (Nguồn: Openaccessgovernment)

Năm 2021, chi tiêu công cho giáo dục tại Italy chiếm 4,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 4,9%.

Về lao động việc làm, ISTAT cho biết tỷ lệ người dân có việc trong nhóm 20-64 tuổi tăng 2,1%, đạt 64,8% trong năm 2022, nhưng chênh lệch giới tính vẫn cao. Tỷ lệ phụ nữ có việc làm là 55%, so với 74,7% của nam giới.

Lượng chất thải đô thị tại Italy đã tăng 2,3% trong năm 2021 lên 29,6 triệu tấn so với năm 2020, với mức trung bình mỗi người thải ra hơn 500 kg chất thải hằng năm, tăng 2,9% so với năm trước.

Cũng trong năm 2021, 64% lượng rác thải đô thị được phân loại để thu gom và xử lý, cao hơn 1% so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 65% được đặt ra trước đó.

Trong năm 2021, 19% tổng lượng rác thải đô thị tại Italy được xử lý tại các bãi chôn lấp, giảm 5,6% so với năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là một chặng đường dài so với giới hạn 10% do EU đặt ra cho năm 2035 và sau đó sẽ được chuyển thành luật quốc gia.

Điều này cho thấy phải rất lâu nữa, quốc gia ở châu Âu này mới có thể đạt được mục tiêu tách chất thải ra khỏi chu kỳ kinh tế, vốn là mục tiêu của các chính sách tại EU nhằm ngăn chặn và giảm thiểu chất thải và các tác động đối với môi trường, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và quá trình chuyển đổi sinh thái sau đại dịch COVID-19.

Ô nhiễm không khí tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường nhức nhối đối với người Italy, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Trong năm 2022, 37% hộ gia đình cho rằng không khí bị ô nhiễm, nhiều hơn 2,2% so với năm 2021. ISTAT ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Italy đã tăng 0,9%.

Khoảng 8,1% lượng phát thải là do các quy trình công nghiệp (giảm 23,2% so với năm 1990), 8,6% do ngành nông nghiệp (giảm 11,4% so với năm 1990) và 4,9% do chất thải (tăng 7,7% so với năm 1990), do sự gia tăng lượng khí thải từ các bãi chôn lấp chiếm 76,6% tổng lượng khí thải.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích