Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam

Indonesia tăng nhập khẩu gạo

1
Sản lượng gạo của Indonesia giảm do ảnh hưởng của hạn hán năm ngoái.

Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Indonesia cho biết nước này đã bổ sung hạn ngạch nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay. Cùng với 2 triệu tấn đã được duyệt trước đó, năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo, cao hơn so với gần 3,1 triệu tấn năm 2023.

Bộ Thương mại Indonesia đang gấp rút cấp giấy phép nhập khẩu và dự báo sản lượng sẽ thấp hơn trong quý đầu năm.

Nước này dự kiến ​​sẽ sản xuất 32 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng từ mức 30,9 triệu tấn vào năm 2023. Tuy nhiên sản xuất trong những tháng đầu năm có thể bị gián đoạn do ảnh hưởng của hạn hán năm ngoái.

Ông Arif Sulistiyo, quan chức thuộc Bộ Thương mại nước này cho biết, sản lượng gạo quý I ​​sẽ thấp hơn 2,82 triệu tấn so với quý I/2023. Trong khi đó, trên thị trường, gạo đã được bán với giá cao hơn mức trần do chính phủ quy định do lo ngại về nguồn cung. ​

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), nhập khẩu gạo chứng kiến mức tăng trưởng đột biến 613% trong năm 2023, đạt gần 3,1 triệu tấn.

Dữ liệu của BPS cho thấy nhập khẩu gạo tăng đều qua các năm, với 444.510 tấn vào năm 2019, 356.290 tấn vào năm 2020, 407.740 tấn vào năm 2021 và 429.210 tấn vào năm 2022.

Phần lớn gạo nhập khẩu của Indonesia năm 2023 đến từ Thái Lan và Việt Nam, với khối lượng lần lượt là 1,4 triệu tấn và hơn 1,1 triệu tấn. Ngoài ra, Indonesia còn nhập khẩu gạo từ Pakistan (309.000 tấn) và Myanmar (141.000 tấn).

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, sản lượng gạo của Indonesia trong 2 tháng đầu năm 2024 dự báo chỉ đạt 2,25 triệu tấn, giảm khoảng 46,3% so với năm trước do ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thời tiết El Nino tới vụ thu hoạch.

Trước đó, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết Chính phủ đã đồng ý giao cho cơ quan này nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, cho rằng chính sách phân bổ nhập khẩu gạo vẫn khó dừng lại do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong triển vọng kinh tế Indonesia năm 2024 do Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia tổ chức, Tổng thống Jokowi xác nhận Indonesia sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ và 2 triệu tấn từ Thái Lan để đảm bảo an toàn cho kho dự trữ gạo quốc gia vào năm 2024.

Cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

2
Nhu cầu thu mua gạo tăng đột biến của Indonesia là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, nước ta đã xuất khẩu 512.265 tấn gạo và thu về hơn 362 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 7% kim ngạch so với tháng trước đó. Đồng thời tăng 42% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Philippines vẫn giữ vị trí nhà nhập khẩu gạo Việt lớn nhất với gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8% về trị giá so với tháng 12/2023. Giá trung bình đạt 691 USD/tấn, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước.

Đáng chú ý, vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ 2 đã có sự thay đổi. Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023.

Giá bình quân đạt 1.040,2 USD/tấn, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Dự kiến năm 2024 Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Động thái này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Bộ Công Thương nhìn nhận, nhu cầu thu mua gạo tăng đột biến của Indonesia là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã từng có kết nối với Indonesia. Để tăng cường lượng xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường quảng bá thương hiệu gạo trong nước để có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này.

“Để có thể cung ứng với số lượng gạo nhiều nhất cho đợt thu mua tới đây của Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đặc biệt là là các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia cần chủ động sớm tiếp cận Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia Indonesia (Preum Bulog) để quảng bá sản phẩm của mình”, Bộ Công Thương nhấn mạnh trên trang thông tin của Bộ.

Ngày 26/2, phát biểu tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, người đứng đầu Bapanas, Arief Prasetyo Adi cho biết Tổng thống Jokowi yêu cầu phải có tối thiểu 1,2 triệu tấn gạo dự trữ tại Bulog, trong khi thực tế, ông muốn con số đó là 3 triệu tấn.

Theo ông, Chính phủ Indonesia đã có hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo cho kho dự trữ, tuy nhiên, thực tế đến nay việc nhập khẩu gạo mới đạt 500.000 tấn.

Trong khi đó, vụ thu hoạch chính trong nước vẫn chưa tới, vì vậy, việc nhập khẩu gạo cần được thực hiện ngay để bù vào số lượng gạo đang thiếu hụt. Ông Adi thừa nhận rằng giá gạo hiện tại vẫn ở mức cao, hơn 16.000 Rp (1,02 USD)/kg. Điều này là do giá ngũ cốc khô thu hoạch (GKP) ở cấp độ nông dân vẫn nằm trong khoảng 8.000-8.600 Rp/kg ở một số khu vực.

Ông Adi đặt mục tiêu giá lúa chỉ điều chỉnh khi thu hoạch đạt 3,5 triệu tấn. Tuy nhiên, phải mất khoảng 3 tuần sau khi thu hoạch, gạo mới được phân phối tới cộng đồng. Quan chức này cho rằng nếu vụ thu hoạch trên 3,5 triệu tấn, thường phải mất từ 2 tuần đến 3 tuần để chế biến thành gạo do qui trình thu hoạch – sấy khô – xay xát.

Chính phủ cũng giao cho Bulog bán gạo với giá bán lẻ tối đa (HET) cho người dân thông qua chương trình bình ổn giá và cung ứng lương thực (SPHP) 250.000 tấn. Ngoài ra, các nhà xay xát ở một số khu vực đã được khuyến khích phân phối rộng rãi loại gạo đóng gói 5 kg cho tất cả các nhà bán lẻ và thị trường truyền thống.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích