Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) tham quan học hỏi công nghệ xử lý rác thải tại thành phố Yachiyo (Nhật Bản)
Đoàn công tác gồm 14 thành viên do ông Sử Thanh Hoài – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương làm trưởng đoàn.
Ông Kouda Shin Ichi – Phó thị trưởng TP. Yachiyo cùng một số thành viên đại diện phía Nhật Bản đã đón tiếp và làm hướng dẫn viên “đặc biệt” đưa đoàn công tác huyện Lạc Dương đi thăm quan nhà máy xử lý chất thải tại thành phố.
Tại đây đoàn được quản lý các nhà máy hướng dẫn cũng như chia sẻ về cách vận hành xử lý rác thải từ lúc phân loại rác ban đầu đến khâu xử lý tạo thành các nguồn tái chế hữu ích và giảm thải ô nhiễm,… Các thành viên trong đoàn đều rất hứng thú với quy trình hoạt động sạch sẽ, không mùi của hệ thống xử lý rác thải.
Đặc biệt, nhiệt lượng tạo ra từ quá trình thiêu hủy rác có thể sử dụng tạo nên các hồ bơi nước nóng phục vụ cho những người dân xung quanh nghỉ ngơi hoặc rèn luyện sức khỏe. Phần kim loại được ép thành từng khối và làm nguyên liệu phục vụ chế tạo luyện kim.
Không chỉ nổi tiếng là một cường quốc phát triển kinh tế mà Nhật Bản còn được biết tới là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Để giải quyết bài toán rác thải một cách hiệu quả chính quyền Nhật Bản có nhiều quy định chặt chẽ, nhưng điều quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc phân chia các loại rác ngay từ ban đầu, điều này tạo thuận lợi cho các đơn vị thu gom rác phân chia về các nhà máy xử lý một cách nhanh chóng, chính xác.
Quy tắc chung để xử lý rác thải hàng ngày tại đây là việc phân loại rác, đặt rác đúng nơi quy định; giờ đổ rác thường được chia theo khung giờ sáng và tối. Rác thường được phân chia thành các dạng: Rác cháy được, rác không cháy được, rác tái chế được và rác có kích thước lớn.
Sau khi tham quan và nghe các chia sẻ từ chuyên gia, trưởng đoàn Sử Thanh Hoài đánh giá cao công tác quản lý và truyền thông của Nhật đã tạo ra một ý thức hệ cho người dân Nhật Bản về vấn đề phân loại và thu gom rác.
Được biết, để xây dựng hệ thống xử lý rác với công suấ trung bình một ngày khoảng 100 tấn rác thì mức đầu tư khoảng 10 tỷ yên (tương đương 170 tỷ đồng Việt Nam) rất phù hợp với kinh phí và lượng rác sinh hoạt của huyện Lạc Dương.
Mỗi năm, Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Do không được xử lý hợp lý, nên rác thải được xem là một trong những nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Với việc kí kết hợp tác hữu nghị toàn diện và chuyển giao công nghệ xử lý rác thái theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, huyện Lạc Dương nói riêng cũng như Việt Nam nói chung hy vọng sẽ áp dụng thành công mô hình xử lý rác thải, tận dụng triệt để và xử lý nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải đúng theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu