Hội thảo công bố kết quả hội nghị COP26 và hành động của Việt Nam

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 15.29.12
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Việt Nam sẽ thành lập ban chỉ đạo để đưa ra những cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo theo các cam kết tại COP26.

Hội nghị COP26 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid – 19 và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi loài người phải hành động khẩn cấp trước khi quá muộn. Tham dự hội nghị có gần 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và gần 40 nghìn đại biểu của 197 quốc gia thành viên tham gia Công ước các cơ quan, tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc; tổ chức nghiên cứu, phân tích; tổ chức liên chính phủ; tổ chức phi chính phủ và cơ quan báo chí, truyền thông. Đoàn Việt Nam gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tham dự hội nghị COP26.

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 15.01.54
Toàn cảnh hội nghị.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam – ông Gareth Ward: chúng tôi đóng vai trò là chủ nhà của hội nghị COP26, chúng tôi sẵn sàng làm việc với Ban chỉ đạo của Việt Nam không chỉ về giao thông, nông nghiệp… mà còn giúp cho các nhà đầu tư thực hiện các sáng kiến… chúng ta cần chung tay góp sức. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của các nhà lãnh đạo việt Nam. Chúng tôi luôn ở đây để hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn.

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 14.38.24
Ông Gareth Ward – Đại sứ Anh tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. 

Kết quả tại hội nghị

 

Tại 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải mê – tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 14.43.39
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu trình bày các kết quả tại hội nghị COP26 đã đạt được. 

Tại hội nghị COP26, lần đầu tiên các bên tham gia cam kết cắt giảm sử dụng và trợ cấp than và nhiên liệu hóa thạch. Gần 50 quốc gia đã ký tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Các nền kinh tế lớn cam kết ngừng điện than trong thập kỷ 30, các nước còn lại sẽ ngừng điện than vào thập kỷ 40 của thế kỷ này. Đã có 25 quốc gia và các định chế tài chính quốc tế tuyên bố không hỗ trợ cho phát triển năng lượng sử dụng nhiên liệu hoá thạch từ cuối năm 2022 trở đi để hỗ trợ năng lượng sạch, một số quốc gia tuyên bố dừng hoạt động khoan dầu khí mới. Tại hội nghị có thêm 28 quốc gia đã tham gia liên minh ngừng sử dụng điện than (PPCA) do Anh và Canada đồng khởi xướng, nâng tổng số quốc gia tham gia liên minh này lên 48 nước.

 

Mặc dù tỷ lệ huy động tài chính có tăng lên, song chưa đạt mục tiêu cam kết đạt 100 tỷ USD mỗi năm như đã thỏa thuận tại hội nghị COP21 tại Paris. Theo Báo cáo đánh giá tài chính hai năm và tổng quan về tài chính khí hậu năm 2020 do OECD trình bày tại hội nghị, nguồn lực huy động cho giai đoạn 2019 – 2020 đã tăng 16% đạt mức 77,5 tỷ USD trung bình năm so với giai đoạn 2017 – 2018. Riêng năm 2019, tổng tài chính khí hậu từ các nước phát triển cung cấp và huy động cho các nước đang phát triển là 79,6 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2018. Như vậy, để đạt mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm cần có đóng góp mang tính đột phá trong thời gian tới; cần có sự cân bằng về tài chính cho giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Nhiều sáng kiến đã được công bố tại COP26 thu hút nhiều quốc gia tham gia, trong đó có các sáng kiến quan trọng như: cam kết giảm phát thải mê – tan toàn cầu; tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Tuyên bố chấm dứt sản xuất phương tiện giao thông chạy xăng, dầu từ nay đến năm 2040; Liên minh hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu; một số sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… Mỹ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, hai nước cam kết hợp tác trong thập kỷ tới để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, giảm phát thải mê – tan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải các-bon.

 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 15.13.29
Đại diện Unicef tại  Việt Nam – bà Rana Jane Flowers chia sẻ tại hội nghị.

Hoàn thiện Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris

 

Thống nhất bộ Quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris đã được các quốc gia đàm phán từ năm 2016 đến nay và đã được thông qua một phần tại COP24 năm 2018. Hội nghị đã thông qua Quyết định số 1/CP.26 về Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow, trên 50 quyết định khác quy định chi tiết các nội dung của gói thoả thuận và hoạt động thường xuyên của Công ước, Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận Paris. Nội dung chính của gói thoả thuận khí hậu Glasgow bao gồm:

 

Hội nghị ghi nhận tầm quan trọng của mục tiêu thích ứng toàn cầu đối với việc thực hiện hiệu quả Thoả thuận Paris; đề nghị các nước phát triển cần nhanh chóng tăng nguồn tài chính khí hậu (tối thiểu là gấp đôi vào năm 2025, so với năm 2019), chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho thích ứng để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển. Hội nghị đã thông qua chương trình làm việc hai năm Glasgow-Sharm el- Sheikh về mục tiêu thích ứng toàn cầu, tăng cường hỗ trợ thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.

Hội nghị đề nghị các bên nỗ lực thêm hành động giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, bao gồm cả giảm phát thải khí mê – tan; đẩy nhanh việc phát triển, phổ biến công nghệ và ban hành chính sách chuyển đổi năng lượng phát thải thấp, sản xuất điện sạch, nâng cao hiệu suất năng lượng, giảm dần sử dụng điện than và các hình thức trợ cấp nhiên liệu hoá thạch; ghi nhận nhu cầu của các nước đang phát triển cần hỗ trợ để chuyển đổi công bằng; yêu cầu các nước rà soát và củng cố các mục tiêu vào năm 2030 trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); khẳng định yêu cầu làm rõ hơn lộ trình đạt mục tiêu 1,5oC, đề nghị các nước từ năm 2022 cập nhật NDC để nộp cho Ban thư ký Công ước vào năm 2025 phù hợp với mục tiêu 1,5oC và cam kết phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đưa vấn đề loại bỏ dần sử dụng than vào Quyết định của hội nghị.

Cần huy động tài chính khí hậu từ mọi nguồn để đạt được các mục tiêu đề ra, tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm; kêu gọi tiếp tục tăng quy mô và hiệu quả của tài chính khí hậu từ tất cả các nguồn trên toàn cầu, bao gồm viện trợ không hoàn lại và các hình thức tài chính ưu đãi khác; nhấn mạnh thách thức mà các nước đang phát triển gặp phải trong tiếp cận tài chính khí hậu.

Hội nghị tái khẳng định tính cấp bách về hành động và hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tang cường năng lực để giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); các nước phát triển cung cấp nguồn lực vận hành mạng lưới santiago để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại; nhất trí thiết lập đối thoại glasgow giữa các bên, các tổ chức liên quan để thảo luận về việc cung cấp tài chính cho các hoạt động liên quan đến tổn thất và thiệt hại; thống nhất có cơ chế hỗ trợ giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại.

Hoàn tất Bộ Quy tắc hướng dẫn thực hiện thoả thuận Paris với việc bổ sung các hướng dẫn về khung thời gian gửi NDC, các vấn đề phương pháp liên quan đến khung minh bạch, việc thực hiện Điều 6 của Thoả thuận Paris, thích ứng, giảm nhẹ, lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính để thiết lập các cơ chế hợp tác, bao gồm:

 

Vai trò của hội nghị các bên tham gia thoả thuận Paris (CMA); cơ quan giám sát; trách nhiệm của các bên; chu trình hoạt động dự án; hệ thống đăng ký; đóng góp cho thích ứng và hoạt động quản trị; đóng góp cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu; cách tránh tính hai lần; chuyển đổi hoạt động và tín chỉ các – bon từ cơ chế phát triển sạch (CDM) đóng góp vào thực hiện NDC của quốc gia. Các quy định chi tiết về cơ quan giám sát, chi phí quản trị, các hoạt động hấp thụ phát thải sẽ tiếp tục được đàm phán và quyết định tại COP27.

 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 14.52.04
Một số hình ảnh của đoàn Việt Nam tại hội nghị COP26.

Hoạt động của đoàn Việt Nam tại hội nghị COP 26

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung tham gia COP26: đã cập nhật NDC gửi Ban thư ký Công ước tháng 9 năm 2020, tính toán dự báo các kịch bản giảm phát thải đến năm 2050, xây dựng đề án tham dự COP26 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp quan trọng của COP26 như Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu; các sự kiện công bố cam kết giảm phát thải mê – tan toàn cầu, tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…; có nhiều hoạt động song phương, đa phương nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước, các đối tác trên thế giới. Đoàn kỹ thuật tham gia đàm phán và dự các sự kiện trong khuôn khổ COP26. Việc tham gia của Việt Nam đã góp phần vào thành công của Hội nghị COP26 với kết quả cụ thể:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26; cùng 103 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ tham gia sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; cùng đại diện 141 quốc gia tham gia sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; đã có trên 20 cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước lớn, đối tác chiến lược, lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, các tập đoàn lớn; chứng kiến việc ký 07 văn bản thỏa thuận của Bộ, ngành và 25 văn bản thỏa thuận của doanh nghiệp với các đối tác. Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 được các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin đậm nét.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đã có nhiều cuộc làm việc song phương với các đối tác. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc làm việc với ông Zhao Ying Min, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán về BĐKH của Trung Quốc; làm việc với bà Han Jeoung-ae, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc; làm việc trao đổi với ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về các cơ hội hợp tác. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký và trao Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp giai đoạn 2022-2026; làm việc với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Liên minh toàn cầu về khí thải nhà kính trong nông nghiệp của New Zealand, Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có thư đồng thuận tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 14.51.21
 Đoàn Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện song phương, đa phương bên lề hội nghị COP26.

Hoạt động của Đoàn đàm phán tại Hội nghị

 

Trước khi tham dự Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với thành viên thuộc các Bộ tham gia đoàn kỹ thuật để trao đổi cập nhật thông tin về mục tiêu, nội dung của Hội nghị, thống nhất chủ trương, quan điểm bảo vệ quyền lợi quốc gia và góp phần tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH toàn cầu. Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH phân công, Đoàn Việt Nam đã đóng góp cụ thể, kịp thời vào các điều khoản của dự thảo Quyết định COP26, đưa ra một số lựa chọn cho các điều khoản quan trọng có liên hệ trực tiếp tới lợi ích quốc gia, ủng hộ các nội dung cơ bản của dự thảo Quyết định COP26.

 

Các thành viên Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH đã có nhiều cuộc làm việc song phương, bao gồm: trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thực hiện NDC của Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện ASEAN tại COP26; chia sẻ kinh nghiệm hợp tác làm mát cho các thành phố do các nước Bắc Âu tổ chức; tổ chức Hội nghị bên lề của Việt Nam về thúc đẩy thực hiện thị trường các-bon; trao đổi về hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc; tham gia các dự kiện bên lề do Vương quốc Anh, Nhật Bản, các quốc gia châu Á, WWF, AFD tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về xây dựng NDC, kinh nghiệm huy động sự tham gia của các bên vào xây dựng và thực hiện NDC, Chiến lược về biến đổi khí hậu, đẩy mạnh thích ứng thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên…

 

Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ. Đây là lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp; đồng thời sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại toàn cầu trong thời gian tới. Ứng phó với BĐKH trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.

 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 15.03.17
Bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện thường trú, chương trình phát triển Liên hợp quốc thay mặt các đối tác phát triển phát biểu tại hội nghị.

Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái. Các nước phát triển chưa đạt được cam kết loại bỏ hoàn toàn điện than, sớm thoát khỏi các nguồn nhiên liệu hoá thạch khác như dầu và khí, đồng thời phải tăng đóng góp tài chính trong khi phải phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid.

 

Nhiều nền kinh tế lớn đưa ra cam kết tài chính mới. Mỹ và Nhật Bản đều tuyên bố đóng góp 10 tỷ USD trong 5 năm tới, Ý cam kết đóng góp 1,4 tỷ USD mỗi năm… hơn 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính (quản lý vốn tới 130.000 tỷ USD) đã cam kết sử dụng quỹ của họ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Lãnh đạo các quốc gia đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc tham gia chuyển đổi kinh tế xanh, thích ứng với BĐKH. Với hàng trăm nghìn tỷ USD trên thị trường, khu vực tư nhân dự kiến mang lại “triển vọng thực sự duy nhất để đạt được sự chuyển đổi nền kinh tế cơ bản”. Các quốc gia phát triển cũng thúc đẩy vai trò của các ngân hàng phát triển, ngân hàng thương mại lên cao nhằm che lấp khoản thiếu hụt thuộc trách nhiệm phải đóng góp từ nguồn lực công của các nước phát triển.

 

Cùng với gói thoả thuận khí hậu katowice được thông qua tại COP24 năm 2018, Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện thoả thuận Paris cơ bản được hoàn tất, là cơ sở để các nước triển khai thỏa thuận Paris trong nước, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp đầu tư cho ứng phó với BĐKH. Việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực sẽ được thực hiện thông qua các quy định chặt chẽ, minh bạch, thuận lợi cho giám sát, đánh giá quốc tế. Các nội dung đàm phán trong thời gian tới sẽ tập trung kiểm điểm, đánh giá việc tuân thủ các quy định trong thực hiện Thoả thuận Paris; xử lý các vấn đề liên quan giữa thực hiện Thoả thuận với các vấn đề hợp tác phát triển khác, gắn quan hệ đối tác về chính trị và kinh tế với các hành động khí hậu; làm rõ việc huy động và sử dụng tài chính khí hậu hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH với mức độ cân bằng giữa hỗ trợ thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH; làm rõ một số điểm kỹ thuật khi thực hiện cơ chế thị trường và phi thị trường trong thực hiện trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

 

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết sau Hội nghị. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết giảm phát thải mê – tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư của Việt Nam vẫn còn kéo dài, nhiều nơi nhiều lúc còn chậm, có thể làm mất đi cơ hội thu hút ngay các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia nhất là các dự án phát triển năng lượng tái tạo, phát thải các-bon thấp.

 

Việc các nước phát triển chậm trễ trong việc thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm kể 2020 cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với việc các dự án đầu tư cho thích ứng thường ít hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam cần có cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp cho khối doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa vào các loại hình dự án này.

Các dự định triển khai

Ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô – zôn; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; đề án phát triển thị trường các – bon tại Việt Nam; các quy định của các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cấp lĩnh vực để triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện Thoả thuận Paris của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu minh bạch quy định tại Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris.

 

Xây dựng Đề án nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH và phát triển năng lượng tái tạo.

 

Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.

 

Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết.

 

Triển khai áp dụng các công cụ định giá các – bon. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) sang dự án theo Cơ chế đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững (SDM) phù hợp với quy định trong Bộ Quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris. Truyền thông, nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

 

Tổ chức triển khai tuyên bố glasgow về rừng và sử dụng đất; triển khai ý định thư với Tổ chức Emergent trong khuôn khổ Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp cho đề xuất “thỏa thuận mua bán giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực Tây nguyên và Nam trung Bộ”; triển khai các sáng kiến đã tham gia tại COP26 về: (i) Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ thực phẩm và sáng kiến “100 triệu nông dân: chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải và thân thiện với môi trường”; (iii) Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên; (iv) Chương trình nghị sự Hành động chính sách hướng tới chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm bền vững thông qua điều chỉnh các chính sách và hỗ trợ công; (v) Chuyển đổi hệ thống lương thực thông qua nông nghiệp sinh thái; (vi) Chương trình hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.

 

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với mục tiêu cam kết. Xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; lộ trình phát triển hạ tầng đô thị xanh phù hợp với cam kết.

 

Tổ chức thực hiện các nghiên cứu phát triển năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng sóng biển, địa nhiệt, phương án phát triển điện hạt nhân…; tổ chức xây dựng và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến công nghệ ứng phó với BĐKH; hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.

 

Hội nghị diễn ra với nhiều chia sẻ của các đại biểu khách mời đến từ các quốc gia.

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 16.10.43
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phá triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phá triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, ADB đặt ra mục tiêu hỗ trợ cung cấp tài chính khí hậu của châu Á. Việt Nam cũng là thành viên, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cả tài chính và kỹ thuật… để hỗ trợ. Hiện tại, chúng tôi sẵn sàng cung cấp khoản tài chính là 100 tỷ USD cho vấn đề này … Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và tập trung về các chương trình cho biến đổi khí hậu trong tương lại. Từ 2019 đến 2024 chúng tôi tập trung hỗ trợ về biến đổi khi hậu lên đến 9 tỷ USD.

 

Tại COP 26, ADB cũng đưa ra chương trình thích hợp để đầu tư… nhằm mục tiêu vào các vấn đề đói nghèo, bình đẳng giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và mở rộng hơn cam kết. Chúng tôi sẵn sàng để làm sao thay thế được điện than bằng năng lượng sạch… chúng tôi cũng hi vọng sẽ huy động nguồn tài chính tốt hơn về Carbon. Ngoài ra ADB hiện nay còn có một quỹ khác để giúp các quốc gia có thể đạt được mục tiêu.

Theo ông Andrew Jeffries, mặc dù có nhiều cam kết, tuy nhiên việc thực hiện chúng không hề dễ dàng. Hiện tại ADN đang có một chương trình tham vấn nội bộ để hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia trong việc thực hiện các chiến lược dài hạn… có được khả năng chống chịu mạnh hơn nữa trong việc biến đổi khí hậu trong tương lai. Nếu Chính phủ Việt Nam và Bộ tài nguyên có nhu cầu hỗ trợ thì hãy liên hệ với chúng tôi.

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 16.29.51
Phó đại sứ Cộng hoà liên bang Đức chia sẻ trực tuyến tại hội nghị.

Chính phủ Đức cũng nêu ra một số vấn đề liên uqan đến biến đổi khí hậu và chuyển dich năng lượng, đây cũng là mảng hợp tác giữa hai nước. Trước tiên CHLB Đức xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về rác thải = 0 vào năm 2050. Chính phủ Đức cũng có nhiều triển khai để hỗ trợ Việt Nam chuyển cam kết thành hành động. 

 

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các dấu hiệu rõ ràng, giảm điện than sang mô hình kinh doanh mới, Chính phủ Đức luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi và giảm thiểu cũng như thích ứng trong ngành nông – lâm – nghiệp cũng như có can thiệp mạnh mẽ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cam kết về biến đổi khí hậu và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)… thúc đẩy những sáng kiến về khí hậu,… chúng tôi có khoảng 45 triệu Euro đầu tư cho các lĩnh vực này. Tại hội nghị COP26 các quốc gia cần có hành động để hiện thực hoá các cam kết tại COP26. 

Chính phủ cộng hoà Liên bang Đức sẽ luôn luôn bên cạnh Chính phủ Việt Nam để chúng ta có thể giải quyết được các vấn đề, như nạn phá rừng…với kết quả của hội nghị COP26 cũng là cơ hội của Việt Nam để có thể tận dụng được các cơ chế, các chương trình của liên minh châu Âu. Chính phủ Việt Nam cần có hợp lực của các doanh nghiệp và đất nước Việt Nam trong quá trình hướng đến công bằng… chúng tôi rất vui khi có 2 dự án song phương với tổng tiền 13 triệu Euro, đó là hỗ trợ cho Việt Nam thích ứng trong vấn đề NDC và hỗ trợ cho việc thực hiện các chính sách dịch chuyển năng lượng mà các đồng nghiệp Unicef đã đề cập trước đó tại hội nghị này. Chúng tôi xin khẳng định rằng cộng hoà Liên bang Đức luôn hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam…

 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-07 lúc 16.46.29
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kịch bản về biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020.

Chi tiết kịch bản xem tại đây!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích