Hãy sống xứng đáng với những người đã ngã xuống!

Những ngày này trên mọi nẻo đường của đất nước, từng dòng người thuộc các cơ quan Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghĩa trang liệt sĩ viếng, thắp những nén nhang thơm tưởng nhớ đến các anh hùng – liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7.

Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, hơn 320 ngàn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta luôn dành những chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt với người có công và sẽ còn có những chính sách ưu đãi hơn khi kinh tế phát triển, nguồn ngân sách Nhà nước dồi dào.

Điều muốn nhấn mạnh, với lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập – tự do”, trong dòng chảy lịch sử, phát huy tinh thần dân tộc quật cường, bất luận hoàn cảnh nào cũng không chịu làm thân nô lệ; bất luận hoàn cảnh nào cũng không để kẻ thù đô hộ hay xâm lấn một tấc đất của đất mẹ mến yêu. Vì thế, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, cả dân tộc nhất tề nổi dậy, cả triệu người sẵn sàng ra mặt trận để đánh đuổi quân thù. Trong số đó, có hàng triệu người đã anh dũng hy sinh. Máu, xương của họ đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất, góp phần để đất nước được độc lập – tự do, vẹn nguyên bờ cõi. Nói một cách ngắn gọn, nhờ sự hy sinh của bao thế hệ chiến sĩ mới có hòa bình để các thế hệ được học tập, lao động và công hiến.

Họ“quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, thì thế hệ đương đại phải có nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Tiếc thay, cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế và quá trình hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng như cơ chế quản lý còn chưa hoàn thiện đã nảy sinh sự vị kỷ, lòng tham của một số nhóm người, trong đó không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất dẫn đến tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ chạy theo lối sống hưởng thụ, lười biếng trong tư duy lẫn hành động. Vì “một Việt Nam hùng cường”, sánh vai với các cường quốc năm châu trong một thế giới đầy biến động, mỗi chúng ta cần phải tiếp tục thay đổi lối sống, nâng cao đạo đức để đoàn kết, đồng lòng đưa đất nước tiến lên, sống xứng đáng với những gì mà các chiến sĩ đã ngã xuống.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích