Hạnh phúc vì đã để lại những dấu ấn
Phát hành miễn phí báo đến CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Trước khi là Quyền Tổng Biên tập, tôi tự hào là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng tờ báo. Ngày 23/7/1991 Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập báo Lao động Hà Nội. Sau gần 2 năm chạy thử nghiệm, ngày 1/4/1993 báo Lao động Hà Nội chính thức ra mắt bạn đọc số báo đầu tiên trong sự đón đợi và niềm vui của tổ chức Công đoàn, lực lượng CNVCLĐ Thủ đô (năm 1997, báo Lao động Hà Nội đổi tên thành báo Lao động Thủ đô).
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh – nguyên Quyền Tổng Biên tập. |
Còn nhớ khi đó, báo Lao động Thủ đô chỉ xuất bản 2 tuần 1 kỳ với 8 trang báo in đen trắng. Cán bộ, phóng viên mỏng, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn rất nghèo nàn. Muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên ai cũng làm việc hăng say và từng bước vượt qua khó khăn trở thành người bạn đồng hành của CNVCLĐ.
Đặc biệt khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động (CNLĐ) nói chung, CNLĐ tại các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) nói riêng còn rất khó khăn, báo Lao động Thủ đô đã trở thành món ăn tinh thần quý giá đối với nhiều CNLĐ, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp bỏ tiền ra mua báo cho CNLĐ. Chứng kiến CNLĐ truyền tay nhau từng tờ báo đã cũ thậm chí không còn nguyên vẹn, thấu hiểu mong muốn và nhu cầu đọc báo của họ, năm 2011 tôi và anh em trong Ban Biên tập đã xây dựng Đề án “Đưa báo vào KCN&CX Hà Nội”, thật may mắn và hạnh phúc, Đề án đã được Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố phê duyệt.
Vậy là được sự chỉ đạo và tạo điều kiện của UBND, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố, năm 2011 chúng tôi phối hợp với Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đưa báo miễn phí đến tận tay người lao động (NLĐ). Nhận được báo các doanh nghiệp và CNLĐ đều rất phấn khởi, đặt báo ngay ngắn ở những vị trí cố định như khu vực sảnh tiếp khách, căng tin, khu vực nhà ăn, thư viện để tất cả cán bộ, CNLĐ trong công ty cùng được đọc. Tại đây, báo Lao động Thủ đô được CNLĐ truyền tay nhau đọc, trân quý giữ gìn như một cẩm nang và người bạn thân thiết sau mỗi ngày lao động mệt nhọc.
Tuy nhiên Báo vào KCN&CX lúc đó chưa nhiều – khoảng gần 5.000 tờ. Nhiều doanh nghiệp như Công ty Canon Việt Nam có tới 21.000 CNLĐ, nhưng cũng chỉ được phát vài chục tờ báo. Tất cả các doanh nghiệp đều khẳng định báo Lao động Thủ đô không chỉ là món ăn tinh thần, còn là kênh truyền tải thông tin về chính sách đến NLĐ cũng như doanh nghiệp. Thông qua báo Lao động Thủ đô, sự định hướng về tư tưởng, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tổ chức Công đoàn đến được kịp thời hơn với NLĐ; họ đều mong muốn được tăng thêm số lượng báo để CNLĐ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn thông tin về đời sống, việc làm, chế độ, chính sách.
Rất mừng là từ chỗ 330 lao động mới có được 1 tờ báo Lao động Thủ đô để đọc trước đây, thì sau này số lượng báo Lao động Thủ đô đến tay CNLĐ đã đủ đầy hơn với 20 người/1 tờ báo. Để có được thành công ấy, là nhờ sự nỗ lực rất lớn của đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – người kế nhiệm tôi lãnh đạo Báo và anh em trong Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, khi đã đưa được báo Lao động Thủ đô đến gần hơn với NLĐ.
Sau khi đưa báo vào phát miễn phí cho CNLĐ tại các KCN&CX Hà Nội, Ban Biên tập chúng tôi tập trung đổi mới nội dung và hình thức để tờ báo thiết thực hơn nữa, gần gũi hơn nữa với NLĐ. Hướng đi mà chúng tôi lựa chọn đó chính là bám sát vào tổ chức Công đoàn, vào tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.
Ngoài yêu cầu phóng viên bám sát hơi thở cuộc sống của CNVCLĐ, chúng tôi tâm niệm để có một tờ báo đích thực là của CNVCLĐ, dành cho họ, thì phải để họ có tiếng nói, có đóng góp, có “kế sách” thì Báo mới phản ánh đúng và trúng các vấn đề của đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của họ. Cuối năm 2012, Ban Biên tập xây dựng kế hoạch và tổ chức thành cuộc thi viết “Quân sư hiến kế” dành cho toàn bộ độc giả – nhất là CNLĐ trong các KCN&CX. Cũng giai đoạn này Ban Biên tập chúng tôi còn tổ chức thành công “Ngày hội việc làm”, giúp cung và cầu lao động gặp nhau.
Một dấu ấn nữa tôi cũng muốn nhắc tới bởi rất vui vì đã góp một phần giúp cán bộ, phóng viên của mình có chỗ làm việc khang trang hơn. Đó là, thời điểm được LĐLĐ Thành phố bàn giao trụ sở làm việc, trụ sở là nhà cấp 4. Năm 2003, được sự đồng ý và hỗ trợ của UBND Thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam, báo Lao động Thủ đô đã sửa chữa nâng tầng 2. Do yêu cầu phát triển hoạt động báo chí, năm 2013 tôi và Ban Biên tập tiếp tục xin cấp phép nâng tầng 3 và được UBND Thành phố đồng ý và hỗ trợ kinh phí. Đến tháng 12/2014 việc nâng tầng hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ra mắt tờ báo điện tử đầu tiên của thành phố Hà Nội
Giai đoạn tôi lãnh đạo tờ báo, công nghệ thông tin đã bắt đầu phát triển, báo giấy gặp muôn vàn khó khăn, hầu hết các cơ quan báo chí đều chuyển mình sang cách làm báo hiện đại. Để bắt kịp với cách làm báo trong thời đại mới, khi đó Ban Biên tập báo Lao động Thủ đô đã quyết định ra mắt tờ báo điện tử. Quyết tâm là vậy, nhưng thời gian để ra được tờ báo điện tử với chúng tôi hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm của Ban Biên tập, sự giúp đỡ của cơ quan chủ quản là LĐLĐ thành phố Hà Nội, UBND Thành phố… cuối cùng niềm mong mỏi của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Năm 2012, báo Lao động Thủ đô điện tử chính thức được ra mắt và trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, đó là điều hết sức trân quý. Sự kiện này không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của Ban Biên tập Báo, của anh chị em phóng viên, mà còn thể hiện được sự kế thừa và tiếp nối những giá trị, những nền tảng vững chắc được xây dựng và vun đắp từ những người tiền nhiệm.
Không chỉ tự hào và hạnh phúc khi “đứa con tinh thần” báo điện tử Lao động Thủ đô ra đời, khi tờ báo vừa phản ánh kịp thời những thông tin, tâm tư tình cảm của NLĐ, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn, mà Báo còn đáp ứng kịp thời xu hướng đọc hiện đại của bạn đọc, của CNLĐ trong thời kỳ mới. Trong đó Báo đã tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến tuyên tuyền tư vấn pháp luật; tư vấn giải đáp về kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản trong CNVCLĐ…
30 năm xây dựng và trưởng thành của báo Lao động Thủ đô, điều khiến tôi vui mừng, hạnh phúc đó là việc được chứng kiến tờ báo đã và đang thay đổi từng ngày. Với những thành tựu đã đạt được, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, báo Lao động Thủ đô sẽ ngày càng phát triển cao hơn nữa về nhân lực, vật lực và thực sự trở thành tiếng nói của NLĐ, của tổ chức Công đoàn Thủ đô…
Nguyễn Thị Minh Hạnh (Nguyên Quyền Tổng Biên tập)
Nguồn: Báo lao động thủ đô