Hải Phòng: Doanh nghiệp kêu cứu về việc quy hoạch xây dựng “Tiền hậu bất nhất”

(Xây dựng) – Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tân Hồng Phúc (gọi tắt là Công ty) có địa chỉ số 29/52, đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội gửi đơn kêu cứu đến Báo điện tử Xây dựng với nội dung: Công ty là nhà đầu tư của dự án Khu vui chơi giải trí – dịch vụ nghỉ dưỡng tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền và phường Đông Hải 1, quận Hải An thành phố Hải Phòng (gọi chung là dự án). Trong suốt quá trình thực hiện dự án, công ty gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong thủ tục phê duyệt, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, quy hoạch xây dựng, thủ tục đất đai. Báo điện tử Xây dựng xin kính chuyển đơn tới UBND thành phố Hải Phòng giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên khi nghiên cứu đơn và các văn bản giấy tờ của dự án kèm theo chúng tôi thấy cần phải làm rõ một số vấn đề như sau:

hai phong doanh nghiep keu cuu ve viec quy hoach xay dung tien hau bat nhat
 

Ngày 10/1/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1448/QQĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng. Trong đó khu vực đất ven hồ Phương Lưu có một phần sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ; Một phần là đất công viên cây xanh.

Trên cơ sở đó, ngày 25/8/2009 UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 và phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 công viên hồ Phương Lưu. Trong quy hoạch này có phần sử dụng đất vào thương mại dịch vụ.

Theo nhu cầu đầu tư của công ty, ngày 4/12/2009 Sở Xây dựng thành phố cấp chứng chỉ quy hoạch số 273/CCQH cho công ty. Trong chứng chỉ quy hoạch đã quy định có phần sử dụng đất vào mục đích thương mại dịch vụ.

Ngày 2/12/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp giấy biên nhận đăng ký đầu tư số 100/GBN-KHĐT cho công ty với diện tích đất dự kiến sử dụng là 95.956m2; Mục tiêu đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng hồ Phương Lưu với các dịch vụ thể dục thể thao, khu nghỉ dưỡng, lưu trú, khu chăm sóc sức khỏe với tổng vốn đầu tư: 99,215 triệu đồng; Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ khi được giao đất. Tiến độ thực hiện dự án: Dự kiến khởi công tháng 1/2012; Thời gian xây dựng công trình từ tháng 1/2012 đến tháng 1/2015; Hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 1/2015.

Ngày 22/7/2011, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Thông báo số 220/TB-UBND về việc thu hồi đất tại phường Đông Hải 1, quận Hải An; phường Đông Khê, quận Ngô Quyền để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tân Hồng Phúc là chủ đầu tư.

Chủ đầu tư đã chủ động thỏa thuận bàn bạc với nhân dân, thông qua chính quyền địa phương để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên trong quá trình giải phóng mặt bằng đã phát sinh nhiều vướng mắc dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện dự án. Vì vậy ngày 12/9/2018 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận Ngô Quyền và nhà đầu tư đã tiến hành kiểm tra hiện trường thống nhất một số ý kiến để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND thành phố tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho dự án.

Ngày 5/10/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 2131/KHĐT-DNKTTT&TN báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện dự án và đề xuất một số vấn đề như: Đồng ý cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tân Hồng Phúc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và những nội dung khác có liên quan tại Giấy biên nhận đăng ký đầu tư số 100/GBN-KHĐT ngày 02/12/2010; Yêu cầu công ty khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định; Giao UBND quận Ngô Quyền, UBND quận Hải An đăng ký bổ sung dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND thành phố phê duyệt… Trong Báo cáo số 319/KHĐT-DN ngày 20/2/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng về việc kiểm tra, rà soát các dự án theo Thông báo số 79/TB-UBND ngày 17/2/2020 của UBND thành phố, đối với dự án này Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị tương tự như nội dung báo cáo ngày 5/10/2018.

Nhìn chung trong các báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Ngô Quyền, quận Hải An cơ bản thống nhất để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, đồng thời kiến nghị UBND thành phố giao cho từng cơ quan có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc cụ thể đối với dự án để dự án được vận hành bình thường. Cũng trong báo cáo cho biết nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng là 39.860,4m2, đạt 41,6% tổng diện tích dự án. Đồng thời dự án đã bồi thường cho dân trên 30 tỷ đồng, và các chi phí khác hàng trăm tỷ.

Khi dự án đang tiến triển thì Sở Xây dựng lại cho rằng, nó là chưa phù hợp với quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009? Nếu xem xét lại Quyết định phê duyệt điều chỉnh cơ cấu quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 và phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công viên hồ Phương Lưu  theo Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 của UBND thành phố Hải Phòng thì trong Quy hoạch này có đất xây dựng dịch vụ thương mại và đất khu nghỉ tĩnh. Mặt khác trong chứng chỉ quy hoạch số 273/CCQH do Sở Xây dựng thành phố cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Hồng Phúc với nội dung: Xây dựng khu vui chơi giải trí tại công viên hồ Phương Lưu với diện tích 95.965,0m2 trong đó: Đất thể dục thể thao: 15.590,0m2; Đất công trình nghỉ dưỡng: 4.815,0m2; Đất trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe: 3.543,0m2; Đất cây xanh nghỉ tĩnh: 48.858,0m2…

Như vậy, Chứng chỉ quy hoạch với diện tích đất sử dụng so với Quy hoạch chi tiết 1/2000 là phù hợp. Có điều, Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và Quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên hồ Phương Lưu ngày 25/8/2009 của UBND thành phố so với quyết định phê duyệt Quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ 16/9/2009 chỉ chênh lệch nhau 21 ngày. Trong khi Sở Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước giúp UBND thành phố quản lý về công tác quy hoạch xây dựng. Dù quy hoạch cấp nào phê duyệt thì Sở Xây dựng là cơ quan cuối cùng xem xét để trình thành phố ký hoặc để thành phố trình cấp có thẩm quyền ký. Đặc biệt, Luật Xây dựng cũng như Luật Quy hoạch đều quy định trong trường hợp phê duyệt quy hoạch mới hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đều phải xin ý kiến cộng đồng dân cư. Vậy tại sao việc điều chỉnh này loại bỏ các dự án mà chính Sở Xây dựng là cơ quan trình UBND ban hành các thủ tục về quy hoạch trong việc đầu tư các dự án mà các chủ dự án và chính quyền địa phương không biết? Trong khi một dự án kéo dài hàng chục năm, các nhà đầu tư đã phải đầu tư nhiều công sức và tiền của, hậu quả này ai chịu trách nhiệm?

Điều chỉnh quy hoạch là việc làm cần thiết theo luật định. Có thể điều chỉnh theo thời hạn 5 năm. Có thể điều chỉnh một dự án theo các tiêu chí cần phải điều chỉnh mà pháp luật đã quy định. Pháp luật cũng quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng… Vậy những việc làm trên cần xem lại đã đúng pháp luật chưa? Mặt khác, điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, có thể do nhu cầu về phát triển kinh tế – văn hóa xã hội, do an ninh quốc phòng.

Trong quy hoạch điều chỉnh có thể xóa đi một dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; thu nhỏ hoặc phình to một dự án. Ngoài các vấn đề yêu cầu về chuyên môn, về sự cần thiết phải điều chỉnh, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm trao đổi với nhà đầu tư để có sự thống nhất, thỏa thuận trong việc bồi thường, đối với dự án này và một số dự án khác đang triển khai hàng chục năm bỗng dưng bị “bỏ ra”. Sở Xây dựng đã làm việc với chủ đầu tư chưa? Liệu trong trường hợp này có phải do Sở Xây dựng chưa cập nhật quy hoạch như ý kiến đã nêu của Sở Tài nguyên và Môi trường? Sở Xây dựng phải có trách nhiệm làm rõ các vấn đề nêu trên.

Về vấn đề này, khi các doanh nghiệp của Hải Phòng có ý kiến gửi về Bộ Xây dựng, ngày 28/4/2020, Bộ Xây dựng có Văn bản 1401/BXD-QHKT trong đó có nội dung “đề nghị Sở Xây dựng Hải Phòng rà soát, đánh giá, kiểm tra và báo cáo UBND thành phố Hải Phòng về kiến nghị của 3 doanh nghiệp (trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tân Hồng Phúc) liên quan đến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng năm 2040, tầm nhìn năm 2050, đảm bảo tính kế thừa, quyền lợi của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định theo pháp luật hiện hành.

Chúng tôi cho rằng: UBND thành phố Hải Phòng cần chỉ đạo Sở Xây dựng làm rõ những vấn đề về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng như đã nêu ở trên. Về việc  thêm dự án này, bớt dự án kia, việc tuân thủ các quy định pháp luật để trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch thành phố kịp thời, đảm bảo tính kế thừa trong quy hoạch, quyền lợi của các doanh nghiệp tránh những hậu quả pháp lý không đáng có xảy ra với thành phố mà khó giải quyết.

Bài 2: Hàng chục năm chạy dự án mà vẫn chưa xong thủ tục đầu tư, xây dựng trách nhiệm thuộc về tổ chức cá nhân nào?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích