Hà Nội: Giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây

Ngày 11/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Quận ủy Tây Hồ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020 – 2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Hà Nội: Giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây
Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Quận ủy Tây Hồ

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đã báo cáo khái quát những kết quả nổi bật của địa phương đạt được trong thời gian qua. Theo đó, kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 119% kế hoạch năm; tổng chi ngân sách đạt 93% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa – xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Tại buổi làm việc, quận Tây Hồ đề xuất Thành phố cho phép quận đầu tư các dự án thuộc phân cấp của Thành phố, như: Xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ; xây dựng tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, thuộc địa bàn quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm; xây dựng tuyến đường từ Lạc Long Quân đến Cống Đõ, phường Bưởi.

Quận Tây Hồ cũng kiến nghị Thành phố giao quận thực hiện dự án xây dựng Khu nhà tái định cư tại X1, phường Phú Thượng, với 828 căn hộ; giao quận thực hiện giải phóng mặt bằng và làm chủ đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư đối với ô đất CT4 thuộc Khu tái định cư Xuân La; Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường Hồ Tây.

Nêu 3 dự án trọng điểm (Bệnh viện Tim cơ sở 2, dự án Nhà hát Opera và Khu văn hóa đa năng Quảng An, dự án cầu Tứ Liên), quận Tây Hồ đề nghị Thành phố sớm triển khai thực hiện 3 dự án trên để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của quận trong thời gian tới…

Hà Nội: Giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, với sự phân cấp, ủy quyền của Thành phố và định hướng phát triển của quận Tây Hồ, sẽ góp phần khai thông một số vướng mắc.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, tuy đã phân cấp, ủy quyền cho quận về quản lý hồ Tây, nhưng Thành phố vẫn phải có trách nhiệm, không để kéo dài. Phấn đấu trong khoảng từ 3-5 năm để dứt điểm về hạ tầng, tạo điều kiện cho quận phát triển. Bên cạnh đó, quận cũng có kế hoạch xây dựng giữ gìn bảo tồn các nguồn gen thực vật đặc trưng để giữ được nguyên gốc, có thể lập 1 khu bảo tồn gắn với du lịch: như xây dựng chợ hoa, cây cảnh…

Nhấn mạnh phải coi hồ Tây là tiềm năng, giá trị cốt lõi để phát triển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, trước hết, đội ngũ lãnh đạo quận Tây Hồ phải có khát vọng, phải có tầm nhìn, đưa ra được kiến nghị có tầm khu vực, quốc tế. Phải sớm thành lập được Ban quản lý Hồ Tây với Đề án phát triển nghiêm túc, bài bản.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, để phát triển không gian văn hóa hồ Tây, cả về tâm linh, môi trường, mua sắm, gắn với văn hóa hồ Tây… phải có cách làm đồng bộ, bài bản, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, hạ tầng khu vực hồ, các tuyến giao thông kết nối… Quận cũng có thể nghiên cứu phương án xây dựng những khu phố điển hình để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, tổ chức lại trật tự đô thị, từ đó tạo không gian mới, người dân được tham gia vào quá trình phát triển đô thị. Thành phố sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để quận triển khai thực hiện.

Hà Nội: Giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây
Quang cảnh buổi làm việc

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, để khai thác hồ Tây và khu vực bãi sông Hồng, hiện đã có quy hoạch 2 bờ sông, do đó, quận Tây Hồ cần sớm triển khai một số dự án, như: Dự án xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ, góp phần giải quyết ách tắc trên tuyến Âu Cơ; Dự án Nhà hát Opera tại khu Đầm Trị, Khu văn hóa đa năng Quảng An để nâng cao giá trị khu vực hồ Tây.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả của quận Tây Hồ đã đạt được, thể hiện được khát vọng phát triển.

“Quận luôn đi tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, không trông chờ, ỷ lại, không né tránh trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu quận Tây Hồ phải giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây và khu vực xung quanh hồ Tây, coi đây là nguồn lực và phát triển bền vững của Tây Hồ. Quận phải xây dựng Đề án tổng thể, đồng bộ với sự tham gia của các sở, ngành để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan “phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia”.

Hà Nội: Giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ).

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ phải quan tâm công tác rà soát, đào tạo đội ngũ cán bộ, chọn lựa cán bộ có năng lực để bố trí vào các công việc phù hợp, tạo chuyển biến tích cực. Thành phố sẽ đồng hành với quận, tăng cường nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của quận Tây Hồ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị quận xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng, rõ tiến độ từ nay đến năm 2030, trong đó, tập trung các dự án liên quan đến hồ Tây và kết nối quanh hồ Tây tạo sự thay đổi về diện mạo của hồ Tây về môi trường, quản lý đô thị, hệ thống giao thông tĩnh và động để tạo điểm nhấn.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích