Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng?

(Xây dựng) – Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng diễn ra ở hầu khắp các nơi trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đặc biệt là các quận, huyện có tỷ lệ đất nông nghiệp cao. Những vi phạm thường thấy như sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất công, vi phạm trật tự xây dựng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm và trách nhiệm tới đâu cho những trường hợp vi phạm này?

ha noi ai chiu trach nhiem khi de xay ra vi pham phap luat ve dat dai trat tu xay dung
Công trình vi phạm được “mọc” lên từ đất nông nghiệp tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Ảnh: Bùi Thanh)

Trước thực trạng các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai còn cao, diễn biễn phức tạp, tình trạng xảy ra ở nhiều địa bàn, lực lượng chức năng chưa xử lý dứt điểm, tồn tại nhiều năm. Ngày 14/1/2014, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố. Theo đó, chỉ thị nêu rõ: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp; không hợp thức hóa và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp vi phạm; không áp dụng hoặc đề nghị hỗ trợ thiệt hại ngoài chính sách quy định cho các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công khi Nhà nước thu hồi.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Hành lang pháp lý về lĩnh vực quản lý đất đai đã tương đối đầy đủ, rõ ràng, từ Luật Đất đai cho tới các nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị đã quy định, hướng dẫn cụ thể, thậm chí quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Song ở nhiều địa phương, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng còn diễn ra phổ biến. Trong các vi phạm đã và đang diễn ra, nhiều nơi bóng dáng của lãnh đạo còn “mờ nhạt”.

Theo phản ánh của người dân xã Vân Canh (Hoài Đức): Tại thôn An Trai và Kim Hoàng, xã Vân Canh, một số người tự ý thuê gom đất nông nghiệp, đất xen kẹt của hàng chục hộ dân nhưng lại không sử dụng vào mục đích chăn nuôi, trồng trọt mà đem cho thuê làm nhà xưởng, kho bãi, sử dụng đất sai mục đích, thậm chí là xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, họ tự ý đánh số nhà, thuê, kéo điện lưới từ các hộ dân xung quanh về sử dụng như một khu dân cư hợp pháp. Điều này đã diễn ra từ khoảng những năm 2017 đến nay nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền xử lý dứt điểm khiến người dân bức xúc. Trong đó phải kể đến các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm như ông Đàm Quang Ngọ và Đào Xuân Căn và Công ty Cổ phần Thiết bị xây dựng và dịch vụ – HT.

ha noi ai chiu trach nhiem khi de xay ra vi pham phap luat ve dat dai trat tu xay dung
Công ty Cổ phần Hà Nội Foods Việt Nam (Phụng Châu, Chương Mỹ) vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

Hay như trường hợp của ông Vũ Doãn Duy và bà Phùng Thị Thanh Thúy có lô đất tại thửa đất 00, tờ bản đồ 45-2016 với diện tích 1.320m2, tại thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ tự ý cho Công ty Cổ phần Hà Nội Foods Việt Nam thuê làm nhà máy sản xuất thực phẩm, vi phạm mục đích sử dụng đất. Đáng nói, ban đầu trong tổng diện tích 1.320m2 chỉ có 120m2 đất ở, giấy phép xây dựng ban đầu chỉ được cấp khoảng 93 m2. Sau khi xây tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất sản xuất kinh doanh, xây dựng xong, đưa nhà máy đi vào hoạt động, đại diện chủ đất và Công ty Cổ phần Hà Nội Foods Việt Nam mới tiến hành các thủ tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo kiểu “vá hồ sơ”. Đến nay, được biết UBND huyện Chương Mỹ đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và chủ đất, doanh nghiệp này đang hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng, bổ sung giấy phép về an toàn môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Hệ lụy dẫn đến là vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật như vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất trái mục đích được cấp, sử dụng đất không theo quy hoạch, không đảm bảo quy định về an toàn môi trường trong quá trình sản xuất, không đáp ứng điều kiện phòng cháy chữa cháy, lấn chiếm đất công… khiến người dân bất bình.

Lý do để giải thích cho hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng thì có nhiều. Trong đó, nổi cộm lên 1 số lý do như ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, vì lợi ích cá nhân dẫn tới người dân bất tuân pháp luật, song cũng không loại trừ khả năng các cơ quan chức “ bao che” hoặc “buông lỏng” quản lý, mặc cho sai phạm diễn ra.

Ở nhiều địa phương, nhiều lãnh đạo xã cho rằng, tại địa bàn các xã vùng nông thôn không phải xin phép xây dựng nhà ở nên việc người dân, doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, nhà máy trên đất ở là không cần phải xin phép, cấp phép xây dựng hoặc viện dẫn lý do không biết người dân xây dựng gì (nhà ở hay nhà xưởng, nhà máy) nên không có cơ sở để xử lý.

Mặt khác, một lý do nữa thường xuyên được nhiều vị lãnh đạo xã, phường viện dẫn làm “bình phong” như: Tồn tại xảy ra từ lâu, từ nhiệm kỳ trước, đến nay đã quá thời hiệu xử lý vi phạm hoặc mới tiếp quản nên chưa nắm được, hoặc xã đã lập biên bản, báo cáo cấp trên nhưng thực chất là lập biên bản mang tính “chiếu lệ”, không xử phạt hoặc không cưỡng chế.

Mặc dù viện dẫn lý do gì đi chăng nữa, hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cần phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý quyết liệt theo quy định. Nếu để xảy ra vi phạm, tồn đọng kéo dài, không xử lý dứt điểm thì trách nhiệm vẫn thuộc về người đứng đầu địa phương mà cụ thể là Chủ tịch UBND cấp xã, huyện như đúng tinh thần mà Chỉ thị 04 của Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội đã ban hành.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích