Hà Giang: Nguy cơ xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu
Hà Giang: Nguy cơ xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu
Vừa qua, Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế về kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu đã đi kiểm tra, giám sát tình hình phòng chống dịch tại huyện Yên Minh và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế tại một số xã có bệnh nhân mắc, nghi mắc Bạch hầu; làm việc với Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện Yên Minh, Mèo Vạc. Đồng thời, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và công tác tổ chức tiếp nhận, thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại các trường học, ban giám hiệu đã chủ động mua thuốc kháng sinh phòng ngừa cho trẻ, y tế thôn bản đã đến hộ dân, truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc trên loa truyền thanh di động để nhân dân hiểu và phòng ngừa bệnh bạch hầu.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, hiện nay số ca mắc bạch hầu đã xác định là 9 bệnh nhân, số ca tử vong là 1 trường hợp. Hiện các ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang: 12 người; Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc: 32 người, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh: 2 người.
Số bệnh nhân được điều trị ổn định và ra viện 37 bệnh nhân, nhưng vẫn đang được nhân viên y tế cơ sở tiếp tục theo dõi, giám sát trong vòng 14 ngày kể từ khi xuất viện.
Theo Đoàn công tác, các ca mắc nghi ngờ bạch hầu ở huyện Yên Minh đều không liên quan đến huyện Mèo Vạc. Tất cả các vụ dịch bạch hầu đều không có nguồn lây. Rất khó tìm nguồn lây vì người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng.
Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế Hà Giang, với vai trò chính của hệ thống y tế dự phòng, phải bám sát cơ sở, thôn, bản đã có bệnh nhân dương tính với bạch hầu, triển khai khoanh vùng dịch, cách ly, sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong khi chờ đợi chiến dịch tiêm vaccine.
Hà Giang cần phải nỗ lực giảm thiểu các ca mắc mới ở cộng đồng, yêu cầu hệ thống chính quyền phải vào cuộc với ngành y tế, với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tự tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Trước đó, vào tháng 5/2023, tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong là bé gái 10 tuổi cũng không có yếu tố dịch tễ rõ ràng.
Như vậy sau gần 20 năm vắng bóng, hiện bệnh bạch hầu đang quay trở lại tại những vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Đây là hồi chuông cảnh báo, nếu không triệt để phòng chống, dịch bệnh nguy hiểm này sẽ tiếp tục bùng phát và lây lan trong cộng đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị