Giới chủ Nhựa Châu Âu (Europlas) kiếm bộn từ ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời?

SP Group (SP) – Tập đoàn năng lượng đến từ Singapore – vừa cho biết đã đạt thỏa thuận mua lại các nhà máy điện mặt trời Europlast Phú Yên (công suất 50 MWp) và Thành Long Phú Yên (công suất 50 MWp) tại tỉnh Phú Yên, Việt Nam.

Nhà máy Europlast Phú Yên được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019, trong khi nhà máy Long Thành Phú Yên bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2020.

Cả 2 dự án điện nêu trên đều có mối liên hệ dẫn về nhóm chủ Công ty Cổ phần Nhựa Châu Âu (Europlas).

Tổng giám đốc Europlas Hoàng Quốc Huy
Tổng giám đốc Europlas Hoàng Quốc Huy

Cụ thể, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Europlast Phú Yên (Europlast Phú Yên) được thành lập vào tháng 3/2018, quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 240 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập của Europlast Phú Yên bao gồm: Europlas (nắm giữ 80% vốn điều lệ); Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Europlast (viết tắt: Europlast Energy; sở hữu 18% vốn điều lệ) và ông Bùi Quốc Hương (SN 1977, sở hữu 2% vốn điều lệ).

Cập nhật tới tháng 3/2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Europlast Phú Yên do ông Chia Seng Boon Brandon (quốc tịch Singapore) đảm nhiệm.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Thành Long Phú Yên (Thành Long Phú Yên) được thành lập vào tháng 5/2018, vốn điều lệ ban đầu ở mức 240 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập của Thành Long Phú Yên bao gồm: Công ty Cổ phần sản xuất điện tử Thành Long (sở hữu 90% vốn điều lệ); bà Chu Bảo Quỳnh (sở hữu 5% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Trung Ngọc (sở hữu 5% vốn điều lệ).

Nên biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần sản xuất điện tử Thành Long (Thành Long) là ông Hoàng Minh Đức – em trai của ông Hoàng Quốc Huy, Tổng giám đốc Europlas.

Tại Phú Yên, Europlas còn là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên (Thịnh Long Phú Yên) – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long – AAA Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.173 tỷ đồng.

Sau khi dự án này vận hành, tháng 1/2020, Super Energy Corporation – đại gia năng lượng Thái Lan – cho biết đã chi ra tới 51,15 triệu USD (1.200 tỷ đồng) để mua lại toàn bộ cổ phần ở Thịnh Long Phú Yên.

Tại Long An, nhóm Europlas còn phát triển dự án Nhà máy điện Europlast Long An, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.157 tỷ đồng, tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ. Dự án này do Công ty Cổ phần Điện mặt trời Europlast Long An làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi Nhà máy điện Europlast Long An đi vào hoạt động, tháng 6/2019, số cổ phần chi phối tại doanh nghiệp dự án đã được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM).

Nhiều tiền như giới chủ Europlas

Loạt thương vụ ‘lướt sóng’ dự án điện mặt trời vừa nêu khiến dư luận không khỏi băn khoăn về sự nghiêm túc của giới chủ Europlas trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cùng với việc sang tay loạt dự án điện mặt trời cho đối tác nước ngoài, đầu năm 2023, vợ chồng ông Hoàng Quốc Huy cũng sở hữu thêm một số bất động sản cao cấp tại khu đô thị Ecopark (tỉnh Hưng Yên).

Thành lập từ tháng 9/2007, Europlas là một trong những doanh nghiệp có tiếng trong ngành nhựa, với sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Europlas tự giới thiệu đang sở hữu 7 nhà máy, có quy mô hàng chục nghìn ha, tại 6 tỉnh: Hà Nam, Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An, Long An và Tp HCM, với công suất đạt xấp xỉ 0,6 triệu tấn/năm.

Tại ngày 24/6/2015, Europlas có quy mô vốn điều lệ ở mức 140 tỷ đồng. Trong đó, ông Hoàng Quốc Huy nắm chi phối với tỷ lệ sở hữu 61,32% vốn điều lệ.

Tới tháng 1/2018, công ty này đã nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 500 tỷ đồng. Ông Hoàng Quốc Huy (Sinh năm 1968) vẫn giữ vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Giai đoạn 2016 – 2019, Europlas ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ở mức hai chữ số. Cụ thể, trong năm 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.866,6 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016. Doanh thu thuần của công ty năm 2018 và 2019 lần lượt ở mức 2.355,6 tỷ đồng và 3.007,5 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 26,2% và 27,7% so với năm liền trước.

Trong giai đoạn này, Europlas cũng đem về cho giới chủ tổng cộng 386,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lưu ý rằng, tính tới thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Europlas ở mức 752,2 tỷ đồng – cao hơn vốn điều lệ đăng ký 252,2 tỷ đồng. Điều này cho thấy, cổ đông của Europlas có thể đã nhận được cả trăm tỷ đồng tiền cổ tức.

Nhấn mạnh rằng, các số liệu vừa nêu mới chỉ là kết quả kinh doanh riêng lẻ của Europlas, chưa đề cập tới một số pháp nhân khác cùng ‘hệ sinh thái’ như: Công ty Cổ phần Polyfill, Europlas Nghệ An.

Ngoài các pháp nhân kể trên, vị doanh nhân Hoàng Quốc Huy còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần EUPChem, Công ty TNHH TALC Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Europlast; cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái (YBM)./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích