Giao tự chủ cho địa phương, chìa khóa thành công
Kịp thời ban hành các chính sách đặc thù
Theo các đại biểu, cử tri và nhân dân ghi nhận công tác điều hành tập trung và khẩn trương của Thành phố trong năm 2021, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 thứ tư và từ ngày 1/10 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về các biện pháp linh hoạt phòng chống dịch.
Hà Nội đã hoàn thành 16/23 chỉ tiêu, là nỗ lực rất lớn trong tình hình dịch bùng phát. Đáng chú ý, Hà Nội không chỉ thực hiện tốt Nghị quyết 68 của Chính phủ mà còn kịp thời ban hành các chính sách đặc thù của Thành phố về hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố, được người dân rất ủng hộ.
Các đại biểu HĐND Thành phố xem xét kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022. |
Đại biểu Lê Ngọc Anh (tổ huyện Phú Xuyên) đánh giá, các giải pháp, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội được Thành phố đặt ra từ nay đến cuối năm thể hiện rất khả thi, nhưng mong Thành phố quan tâm hơn đến các cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp nhất là về ứng dụng công nghệ cao, sao cho đi vào thực tiễn, thúc đẩy một số vùng nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch.
Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Thị Thu Hiền (tổ huyện Ứng Hòa) cũng đề nghị Thành phố có giải pháp mạnh hơn để bình ổn giá, có lộ trình cụ thể từng năm để nâng cao tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ tiêu tại Chương trình 04 của Thành ủy, có giải pháp sớm xử lý ô nhiễm các dòng sông. “Nhất là toàn Thành phố còn 166 xã chưa có nước sạch trong đó Ứng Hòa đạt tỷ lệ thấp, người dân rất mong Thành phố có văn bản chính thức giao dự án đầu tư cho doanh nghiệp đủ năng lực; đồng thời mong Thành phố quan tâm đầu tư thêm kinh phí cho các trạm y tế lưu động tại cơ sở…”, đại biểu Bùi Thị Thu Hiền bày tỏ.
Tăng tính chủ động cho các địa phương
Đề cập đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tổ quận Hà Đông) cho rằng, các thủ tục đầu tư cần được cải tiến trong các bước để rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí, có như vậy mới thúc đẩy nhanh kế hoạch giải ngân đầu tư công trên địa bàn Thành phố.
Theo đại biểu Đỗ Anh Tuấn (tổ quận Bắc Từ Liêm), để hoàn thành mục tiêu năm 2021 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 84,3% trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp thì cần sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là cuối năm 2021 các quận, huyện, thị xã cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực này.
Đại biểu Lưu Ngọc Hà (tổ quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, quận Bắc Từ Liêm cần 11.200 tỷ cho đầu tư công, nhưng tỷ lệ % từ sau đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn chỉ được hưởng 35% là quá thấp, sẽ không đủ nguồn lực phục vụ công tác đầu tư công, nên đề xuất Thành phố xem xét, nâng tỷ lệ điều tiết khả thi trong lĩnh vực đầu tư công là 65% cho quận. Riêng với 5 huyện chuẩn bị lên quận, Thành phố cần phân cấp mạnh, điều tiết 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn các huyện đó để đầu tư hạ tầng khung, hoàn thành tiêu chí lên quận.
Đại biểu Lê Anh Quân (tổ huyện Gia Lâm) cho rằng, cái gì địa phương có đủ điều kiện để làm được thì Thành phố hãy mạnh dạn ủy quyền cho các quận, huyện, đặc biệt là các huyện sắp lên quận để tăng tính chủ động cho các địa phương. Đồng tình với đề xuất, đại biểu Nguyễn Việt Hà (tổ quận Thanh Xuân) cho rằng, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách là hết sức cần thiết; nhưng trong vấn đề phân cấp nguồn thu, trước đây tiền sử dụng đất chia nhiều tỷ lệ khác nhau, với các quy mô khác nhau.
Vì thế, liên quan đến nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi mới, UBND Thành phố cần làm rõ hơn, bởi sẽ có nhiều người hiểu nhầm các quận được hưởng thêm (từ 30% lên 35%), tuy nhiên thực tế không phải vậy.
Đại biểu HĐND Thành phố thảo luận tại Kỳ họp. |
Nhiều đại biểu đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19. Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (tổ huyện Mỹ Đức) nhận định, nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội rất lớn, ca mắc có chiều hướng tăng lên nếu không kiểm soát tốt, không có các biện pháp phòng dịch cá nhân, trong khi người dân còn chủ quan. Vì vậy Thành phố cần có biện pháp hành động, nhiều chính sách cụ thể hơn trong phòng, chống dịch.
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ huyện Phú Xuyên), trong công tác phòng chống dịch Thành phố cần tăng cường công tác dự báo, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời. Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ huyện Mê Linh) bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô cần có sự hỗ trợ sát sao hơn nữa của lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở ban ngành Thành phố trong lúc khó khăn. Đại biểu Dương Đức Tuấn (tổ quận Hai Bà Trưng) cho biết, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thực hiện “không Covid-19” là rất khó.
Vì thế, Thành phố cần sớm có chiến lược để mở cửa các hoạt động kinh tế – xã hội nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, có giải pháp thúc đẩy phát triển khu vực thương mại, du lịch – vì đây là nguồn thu lớn của Thành phố. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ huyện Quốc Oai) nêu, chính sách điều trị F0 tại nhà rất kịp thời, giúp giảm tải tuyến y tế và phù hợp thực tiễn nhưng việc thực hiện, vận dụng chính sách ở cơ sở không thống nhất, đặc biệt là các chung cư. Đây là khoảng trống truyền thông từ trên xuống dưới, cần tập huấn công tác này, nhằm thống nhất thực thi các chính sách.
Cần có quyết tâm rất lớn!
Trước ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao đổi cụ thể liên quan lĩnh vực nước sạch, xử lý nước thải công nghiệp, quy hoạch triển khai xây dựng cụm công nghiệp… và khẳng định UBND Thành phố luôn chú trọng quyết liệt đôn đốc triển khai. Chắc chắn trong đầu năm 2022, cả 43 cụm công nghiệp sẽ được đồng loạt khởi công xây dựng, đầu tư đồng bộ.
Kỳ họp lần này HĐND Thành phố sẽ xem xét, thông qua 42 nội dung gồm: 22 báo cáo (trong đó có 18 báo cáo thường lệ, 4 báo cáo chuyên đề); 20 tờ trình, dự thảo Nghị quyết (trong đó có 8 Nghị quyết thường lệ và 12 Nghị quyết chuyên đề). Tại kỳ họp, HĐND Thành phố sẽ dành 1 ngày để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố và thúc đẩy, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố. Ngoài các thành viên UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh sẽ trực tiếp trả lời các đại biểu. |
Về xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã triển khai bao quát các địa phương, đảm bảo sang năm 100% các huyện về đích nông thôn mới. Đồng tình với ý kiến đề nghị Thành phố tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư, theo sát để kịp thời gỡ vướng, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% năm 2022, toàn Thành phố cần có quyết tâm rất lớn, tạo đà cho những năm tiếp theo.
Trong đó, cần rà soát tháo gỡ khó khăn cho những dự án ngoài ngân sách, phân công rõ trách nhiệm trong thực hiện, đẩy mạnh hạ tầng hỗ trợ cho sản xuất, tiếp tục số hóa các ngành, lĩnh vực…
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, quan trọng nhất đối với Thành phố trong năm tới là cách tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 cần tập trung thực hiện tốt, xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Muốn vậy, từ Thành phố đến các quận huyện cần rất lưu ý là không để hệ thống y tế cơ sở bị thiếu thốn về trang thiết bị. Cùng với thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát dịch hiệu quả, cần xác định công tác đầu tư công rất quan trọng; cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục một cách thực chất, khoa học, trong đó không chỉ tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp mà còn cho các quận, huyện, sở, ngành./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô