Giảm nghèo đa chiều, toàn diện để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’

Giảm nghèo đa chiều, toàn diện để ‘không ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 1.
Mục tiêu giảm nghèo bao trùm ở cả 6 lĩnh vực: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin

 Xây dựng ‘lưới an sinh’ bao trùm, bền vững

Năm 2024, Việt Nam phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng 3 vấn đề: Vừa phòng ngừa, khắc phục vừa thích ứng rủi do, hướng tới xây dựng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội.

Để đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%, ngay từ đầu năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam hiện là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều phải được nâng lên yêu cầu cao hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: “Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo giai đoạn này khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn”.

Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên; phân bổ vốn năm 2024 Chương trình MTQG giảm ngèo bền vững.

Theo đó, kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 là 12.558,732 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/3/2024, có 48/48 địa phương nhận kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã có nghị quyết, quyết định phân bổ vốn, giao dự toán thực hiện Chương trình.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng đã thông báo mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo cho 63 địa phương. Bộ đã xây dựng và ban hành 2 chương trình (chương trình đào tạo cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác giảm nghèo cấp xã và chương trình đào tạo cho giảng viên nguồn (TOT) để giảng dạy cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, cộng tác viên giảm nghèo cấp xã); xây dựng 2 tài liệu (tài liệu đào tạo cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác giảm nghèo cấp xã và tài liệu TOT cho giảng viên để giảng dạy cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, cộng tác viên giảm nghèo cấp xã).

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, những tháng đầu năm 2024 công chi trả trợ cấp xã hội cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Tháng 4/2024, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho 3,387 triệu người (khoảng 3,38 % dân số). Trong đó có 1,394 triệu người người cao tuổi, 1,667 triệu người khuyết tật, 16 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 150 nghìn trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi, 80 nghìn người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi, 80 nghìn đối tượng khác. Đồng thời hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng cho 389 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoảng 2.250 tỷ đồng/tháng.

Tính từ tháng 1/2023 đến 12/4/2024, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội; tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 2.067.028 người, tăng 261.907 người so với kỳ báo cáo tháng 3/2024; tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là 1.420.853 người, tăng 332.373 người so với kỳ báo cáo tháng 3/2024. Tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 01/2023 đến nay là: 4.569.644.721.000 đồng, tăng 1.113.571.280.000 đồng so với kỳ báo cáo tháng 3/2024.

Đặc biệt, 14 tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ giúp cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP4; 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tổng ngân sách chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoản 2.250 tỷ đồng/tháng.

100% địa phương đã chi trả đầy đủ chế độ, chính sách trợ giúp xã hội của tháng 3/2024 đến 100% đối tượng chính sách. Có 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả.

“Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định.

Giảm nghèo đa chiều, toàn diện để ‘không ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 2.
Xóa nhà dột nhà tạm là một trong những chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Mở rộng đối tượng, nâng chuẩn trợ giúp xã hội

Mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng hiện nay được quy định là 350.000 đồng/người được cho là còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của người dân, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Do đó, Bộ LĐTB&XH đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Dự thảo này không chỉ nâng mức trợ cấp mà còn mở rộng thêm các đối tượng hưởng chính sách

Bộ LĐTB&XH đánh giá việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm bảo đảm hỗ trợ hiệu quả một phần nhu cầu thiết yếu cho đối tượng bảo trợ xã hội là hết sức cấp bách; cần phải điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội. Phương án 1 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng (tăng 39%), mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với phương án này thì số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng.

Phương án 2 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng (tăng 108,3% so với mức chuẩn cũ) thì tổng kinh phí thực hiện một năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.300 tỷ đồng/năm.

Như vậy, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Mức trợ giúp xã hội liên tục tăng lên sau 6 lần điều chỉnh. Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng/người/tháng, năm 2007 tăng lên 120.000 đồng tháng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng/tháng, năm 2013 là 270.000 đồng/tháng và lên mức 360.000 đồng năm 2021.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách về trợ giúp xã hội, Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đẩy mạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt. Theo dõi sát tình hình, chỉ đạo các địa phương rà soát, trợ giúp xã hội dịp giáp hạt năm 2024, chủ động phương án trợ giúp xã hội; tổ chức cứu trợ đột xuất kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Theo Báo Chính phủ

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích