Gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá

Gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá

Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.

Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 67.000 tỷ đồng

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải cho biết, hàng năm có 7 triệu người tử vong do tác hại của thuốc lá, trong đó, có 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam chiếm 1% (quy đổi) GDP (khoảng 67.000 tỷ đồng).

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá… Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000-6.000 tấn formaldehyde, từ 12-47 nghìn tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%).

Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.

“Theo số liệu điều tra này, nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ”- ông Hải đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tập huấn cho báo chí về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin – Truyền thông và Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phối hợp tổ chức mới đây.

tm-img-alt
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở nước ta ngày càng gia tăng.

Hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe khi sử dụng thuốc lá điện tử

Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) Phan Thị Hải cho biết hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. “Đây là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam”, bà Hải nói. Nghiên cứu tại Bệnh viện K cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc chiếm 96,8%.

Một thực trạng trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam là những năm gần đây, thuốc lá truyền thống đang bị lấn át bởi thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử ngày càng tăng và tăng chủ yếu ở giới trẻ.

Các chuyên gia y tế cho hay chất độc hại với cơ thể do thuốc lá điện tử sinh ra phần lớn đến từ các sản phẩm dạng hóa chất của chất tạo khói và tạo mùi, tiếp xúc trong thời gian càng dài thì ảnh hưởng tới sức khỏe càng nhiều. Vì vậy, ai tiếp xúc nhiều hơn thì ảnh hưởng nhiều hơn, kể cả người hút chủ động và thụ động. Các hóa chất sinh ra từ quá trình tạo khói và đốt cháy chất tạo mùi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ quan hô hấp và tim mạch. Những ảnh hưởng lâu dài có thể gây độc tế bào và nguy cơ phát triển ung thư.

Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm chống độc -Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.

Cùng đó tại nhiều cơ sở y tế khác cũng ghi nhận không ít các trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử đến thăm khám, điều trị. Thậm chí đã có những trường hợp hôn mê, tính mạng nguy hiểm vì ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy mới.

Để giảm thiểu, phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã có nhiều quy định liên quan đến giảm tác hại thuốc lá như cấm quảng cáo, cấm sử dụng thuốc lá nơi công cộng,… Bên cạnh đó là chính sách thuế. Tuy nhiên, các chính sách thuế vẫn còn thấp nên tỷ lệ hạn chế, giảm thiểu về tác hại thuốc lá không cao…

Phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ, cũng như cần sự vào cuộc của nhiều bên để xây dựng môi trường không khói thuốc. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích