Dùng giấy đi đường giả, sẽ chịu “xử lý thật”!

Liên tục phát hiện giấy đi đường giả

Để đáp ứng nhu cầu đi đường, thời gian qua, nhiều đối tượng đã làm giả giấy tờ để lưu thông với nhiều mục đích khác nhau, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Một vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện vào ngày 19/8, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 thuộc địa phận xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Dùng giấy đi đường giả, sẽ chịu “xử lý thật”!
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân. Ảnh: CQCA

Tại đây Tổ công tác của Công an thành phố Hà Nội phát hiện 3 xe ô tô di chuyển theo hướng Hà Nội – Hòa Bình có dấu hiện nghi vấn. Các xe này do các anh H.N.T (sinh năm 1987, địa chỉ tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), N.T.A (sinh năm 1982, địa chỉ tại xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) và T.T.K (sinh năm 1985, địa chỉ tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) điều khiển. Qua kiểm tra cho thấy trên 3 xe ô tô này có 15 người (mỗi xe chở 5 người), có hộ khẩu thường trú tại Điện Biên. Tiến hành khai thác thông tin tại chỗ, Tổ công tác làm việc với với một trong những người trên xe, được biết, người này thuê xe đi từ Nhà Văn hóa thôn 8 xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, lên Điện Biên với số tiền 1,9 triệu đồng, bao gồm tiền xét nghiệm Covid-19, tiền làm giấy đi đường, những giấy tờ này đều do chủ xe làm. Số giấy đi đường của toàn bộ những người trên 3 xe ô tô trên đều được đóng dấu xác nhận của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại VIPOTEX Hải Phòng có địa chỉ tại 4/77 đường Vòng Cầu, Niên Nghĩa Xá, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, qua liên hệ với Công an phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng để xác minh thông tin thì trên địa bàn này không có Công ty Cổ phần sản xuất thương mại VIPOTEX Hải Phòng…

Cũng với thủ đoạn làm giấy tờ giả, gần đây nhất 26/8, tại chốt phòng, chống dịch số 23 trên quốc lộ 18 qua địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, lực lượng chức năng đã phát hiện một người điều khiển ô tô chở 6 cô gái, cả 7 người đều có giấy đi đường giả. Qua kiểm tra, người điểu khiển ô tô là anh N.Q.P (sinh năm 1988, trú tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), P. khai nhận đã đánh máy giấy đi đường cho các cô gái này và tự đóng dấu của Công ty Fujito Việt Nam. Để thuận tiện, cả nhóm đã nhờ người giả chữ ký giám đốc công ty ở dưới giấy đi đường…

Theo Luật sư Nguyễn Chiến, việc tổ chức hay cá nhân làm giấy đi đường giả, cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích; sử dụng giấy tờ không đúng quy định, giấy tờ giả nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt kiểm soát dịch vì lợi ích cá nhân thì ngoài việc bị xử phạt hành chính họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ngoài ra, bản thân họ cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như làm lây dịch bệnh nguy hiểm cho người thân.

Cạnh đó, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì thực hiện giãn cách xã hội được xem là một trong những biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian có dịch. Chính vì vậy, những người vi phạm quy định về giãn cách xã hội có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, quy định tại khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế.

Không chỉ làm giả giấy đi đường, có đối tượng còn sử dụng giấy đi đường khống của doanh nghiệp, tự điền thông tin mỗi khi có nhu cầu đi đường, qua các chốt kiểm dịch. Cụ thể, chiều 12/9, tại chốt kiểm dịch phía nam cầu Thanh Trì, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã kiểm tra đôi nam nữ điều khiển xe máy lưu thông theo hướng từ quận Hoàng Mai sang quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đôi nam nữ xuất trình ra 2 giấy đi đường đều là người của Công ty TNHH Phát triển dịch vụ Bắc Việt ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Nam thanh niên thừa nhận đã tự điền các thông tin của bạn gái vào giấy đi đường. Ngoài ra, Tổ công tác còn phát hiện ra người này mang theo nhiều giấy đi đường ký khống của Công ty TNHH Phát triển dịch vụ Bắc Việt. Đối tượng thừa nhận đã nhiều tự ý điền thông tin vào đó để qua chốt kiểm dịch…

Giấy tờ giả, trách nhiệm thật

Tình trạng sử dụng giấy đi đường giả, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, để quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, cần phải xử lý nghiêm cả người làm giấy đi đường giả, người có thẩm quyền cấp giấy đi đường đã cấp sai đối tượng, cấp không đúng mục đích và người sử dụng giấy đi đường giả để qua chốt kiểm dịch, tham gia giao thông vì mục đích cá nhân…

Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Trong trường hợp đi công tác, làm việc tại cơ quan, công sở, doanh nghiệp, nhà máy… thuộc diện được phép hoạt động thì cá nhân phải được cấp giấy đi đường theo đúng mẫu quy định.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự của những hành vi này, theo luật sư Nguyễn Chiến – Giám đốc Công ty luật Nguyễn Chiến (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): Việc tổ chức hay cá nhân làm giấy đi đường giả, cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích; sử dụng giấy tờ không đúng quy định, giấy tờ giả nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt kiểm soát dịch vì lợi ích cá nhân thì ngoài việc bị xử phạt hành chính họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ngoài ra, bản thân họ cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như làm lây dịch bệnh nguy hiểm cho người thân. Nếu cơ quan chức năng xác định được các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người không làm việc tại tổ chức, đơn vị đó, thì người cấp giấy đi đường có thể bị xử lý hình sự về hành vi giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự. “Với người thực hiện hành vi làm giả giấy đi đường, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điều 341 Bộ luật Hình sự. Đối với người sử dụng giấy đi đường, trường hợp biết đây là giấy tờ giả, không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư Chiến cho biết…

Chế tài xử phạt hành vi sử dụng giấy tờ giả đã có, các lực lượng chức năng Hà Nội cũng đang quyết liệt thực thi nhiệm vụ để cùng hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô đẩy lùi đại dịch. Thiết nghĩ lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng giấy đi đường giả.

Phương thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích