“Dữ liệu thống kê quốc gia phải là mỏ vàng lộ thiên”

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, khi bắt đầu đọc tên về dự thảo Luật, ông rất háo hức, nhưng đọc xong lại hụt hẫng, vì phương thức thống kê vẫn như trước, chỉ thay đổi chỉ tiêu thống kê, nâng từ 186 hiện nay lên 222 chỉ tiêu.

“Đây là sự dũng cảm của ngành thống kê bởi chỉ cần thêm 1 chỉ tiêu thống kê thôi thì công sức và chi phí cho nó rất nhiều. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng cách làm như cũ, chỉ thay đổi số lượng chỉ tiêu đầu ra thì rất lãng phí”, ông nói.

Vị đại biểu Hà Nội kỳ vọng đợt sửa đổi Luật Thống kê lần này phải luật hóa việc kê khai, cung cấp những thông tin thống kê bằng công nghệ số để hình thành nên kho dữ liệu quốc gia về tất cả vấn đề kinh tế, xã hội. Nếu làm được, đây chính là tiền đề của việc chuyển đổi số quốc gia, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số.

Ông đánh giá, hầu hết cuộc điều tra, thống kê hiện nay rất tốn kém cả về thời gian, công sức và nếu số hoá được, các khâu này sẽ không cần thiết nữa. Với kho dữ liệu số, khi cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nào cần có thể trích xuất mọi dữ liệu mà không phải quy định cứng 222 dữ liệu thống kê trong luật.

“Nếu làm được như trên, sẽ có một kho dữ liệu thống kê, tài nguyên số. Tôi ví nó như một “mỏ vàng lộ thiên” bởi vì không mất công đào bới mà chỉ cần một click chuột là có thể tìm thấy số liệu, biểu mẫu thống kê, sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dùng và chuyển thành tiền”, ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, chiều 25/10. Ảnh: Hiếu Duy

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, chiều 25/10. Ảnh: Hiếu Duy

Theo ông, số liệu thống kê có vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển kinh tế, hay trong các công tác xã hội, phòng, chống dịch bệnh. Nhà nước hay các nhà kinh doanh muốn có quyết sách kịp thời đều cần nói.

Như trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, cơ quan chức năng không thể dùng số liệu thống kê trong báo cáo trước đó một quý để đưa ra quyết định, mà các con số phải được cập nhật từng ngày, từng giờ.

Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, số liệu thống kê hiện nay không còn là những con số khô khan mà là nguồn lực, nguồn tài nguyên “vô cùng quý giá”. “Nó là tiền, càng sở hữu nhiều số liệu thống kê thì càng nhiều tiền. Tôi cho rằng cơ quan thống kê phải là cơ quan giàu nhất, kiếm ra nhiều tiền nhất vì sở hữu nguồn tài nguyên đó”, ông nói.

Đại biểu quốc hội Bùi Mạnh Khoa
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (chuyên trách Ủy ban Pháp luật) phát biểu chiều 25/10. Ảnh: Hiếu Duy

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu khác góp ý về chỉ tiêu thống kêĐại biểu Bùi Mạnh Khoa (chuyên trách Ủy ban Pháp luật) đề nghị ban soạn thảo rà soát các chỉ tiêu phản ánh thực tiễn phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ, các chỉ tiêu về bình đẳng giới cần được bổ sung để không chỉ phản ánh khía cạnh này trong chính trị mà còn phải gắn với các lĩnh vực kinh tế, đời sống và gia đình.

Bên cạnh đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu liên quan của nhóm chỉ tiêu mức sống dân cư để phản ánh đầy đủ, toàn diện mức sống dân cư, thu nhập bình quân đầu người thành thị, nông thôn…

Đại biểu Nguyễn Như So (Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam) cũng cho rằng, ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo tính bao quát, toàn diện trong thống kê các chỉ tiêu quốc gia. Đơn cử, dự thảo Luật đưa ra 4 chỉ tiêu về bình đẳng giới, gồm tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nữ đại biểu quốc hội, nữ đại biểu hội đồng nhân dân, lãnh đạo nữ chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, 4 chỉ tiêu này mới chỉ phản ánh bình đẳng giới ở vấn đề chính trị, chưa có chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như giáo dục, việc làm, lao động, y tế… Do đó, ông đề nghị bổ sung, cập nhật những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, đồng thời hài hòa với những thông lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích