Dự án chậm bàn giao, chậm tiến độ: Người mua nhà khổ đến bao giờ?

Mắc kẹt trong vòng xoáy

Năm 2019, gia đình chị L.K.T, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã mua một căn hộ đang xây tại dự án Athena Complex Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi được quảng cáo là khu phức hợp cao cấp, đa tiện ích. Chủ đầu tư dự án là Liên danh Công ty Cổ phần Công nghiệp Hàn Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379 khi đó cam kết, các cư dân có thể chuyển đến ở sau một, hai năm, khiến số lượng căn hộ bán ra liên tục tăng. Tuy nhiên, từ khi đặt bút ký Hợp đồng mua bán cho đến nay, dự án vẫn chỉ là lớp vỏ rỗng chưa hoàn thiện.

Dự án chậm bàn giao, chậm tiến độ: Người mua nhà khổ đến bao giờ?
Mô hình dự án Athena Complex Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Cực chẳng đã, từ năm 2021 đến nay, chị T cùng nhiều khách hàng mua nhà tại dự án đã làm đơn phản ánh về việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản. Thậm chí, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án còn “tố” chủ đầu tư huy động vốn trái phép, bán nhà khi chưa có giấy phép mở bán. Thu tiền quá quy định của pháp luật (không quá 70% trước khi bàn giao nhà, không quá 95% trước khi nhận sổ), có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng nhưng không dùng để hoàn thiện dự án bàn giao nhà.

Không chỉ khổ vì mua nhà mà không được về ở, chị T cùng nhiều khách hàng khác còn “đau đầu” vì lãi suất ngân hàng vẫn đang “neo” ở mức cao. Theo lời chị T, để có tiền mua căn hộ nói trên, gia đình chị đã phải thế chấp sổ đỏ căn nhà ở dưới quê và vay trả theo lãi suất thương mại, lãi vay hiện giao động từ 11 – 14%/năm. Tính toán lúc đầu của chị là khi hoàn thiện hết thủ tục mua nhà, chị T sẽ lấy hợp đồng mua nhà để làm thủ tục ngân hàng và tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, song mọi tính toán đều đã đổ bể, giờ gia đình chị T luôn phải sống trong cảnh bất an khi nhà có mà không được về, lại vừa phải gánh thêm khoản lãi suất tiền vay…

Trước khó khăn của người dân, cũng trong năm 2021, Ủy ban nhân dân (UBND) phường Hoàng Liệt cũng đã báo cáo UNBD quận Hoàng Mai và Sở Xây dựng Hà Nội về việc chủ đầu tư tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ, khẩn trương thực hiện một số nội dung theo kiến nghị của khách hàng; nhưng bất chấp chỉ đạo từ cơ quan chức năng, dự án đến nay vẫn không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Tương tự như khách hàng tại dự án Athena Complex Pháp Vân, nhiều khách hàng mua dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười như vậy. Theo tìm hiểu, từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến lần mở bán thứ 26 và chuẩn bị sang lần thứ 27, dự án mới bán được 857 căn và cho thuê 183 căn. Hiện vẫn còn khoảng 500 căn hộ chưa có người ở.

Cư dân hiện sinh sống ở tòa A1.1 dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, cho biết: “Theo cam kết, đúng ra chúng tôi được bàn giao nhà từ năm 2017, tuy nhiên cho đến hiện tại thì chỉ có các tòa nhà A1.1 và A1.2 là được bàn giao, còn 2 tòa nhà bên cạnh vẫn còn dang dở, không biết khi nào hoàn thiện”. Theo hợp đồng mua nhà, thời hạn bàn giao căn hộ chậm nhất là quý III/2022. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư đã nhiều lần lùi tiến độ bàn giao khiến hàng trăm khách hàng như “ngồi trên đống lửa”. Đáng chú ý, theo phản ánh, chủ đầu tư tại đây còn tự ý đưa ra thông báo lùi thời gian bàn giao căn hộ vào quý III/2023 (chậm 1 năm so với cam kết) dù chưa có sự thỏa thuận, trao đổi với khách hàng.

Trước phán ảnh của người dân, tháng 6/2023, UBND Thành phố đã giao Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố và UBND huyện Hoài Đức phối hợp giải quyết dứt điểm kiến nghị của cư dân theo đúng quy định tại dự án. Tiếp đó, vào các ngày 11, 25/7/2023, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Hoài Đức và chủ đầu tư họp cùng đại diện các cư dân để đưa ra biện pháp giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, ngày 25/7/2023, UBND Thành phố cũng đã có văn bản số 8304/VP-ĐT chỉ đạo về việc này, trong đó: Yêu cầu Chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện đúng cam kết và tiến độ bàn giao nhà ở cho người mua nhà… phối hợp với Công an Thành phố nắm bắt tình hình, tiếp tục chỉ đạo tổ chức các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật… Tuy vậy, hơn 2 tháng trôi qua, những chỉ đạo này vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện và có khả năng tiếp tục bị chìm đi như các chỉ đạo trước đó và khách hàng vẫn là người chịu thiệt khi đã bỏ tiền ra mua nhưng “sản phẩm thì vẫn nằm trên kệ”.

Hàng loạt dự án bỏ không

Mỗi khi đi qua đường Tố Hữu, anh Trần Anh Tú (La Khê, Hà Đông) đều cảm thấy tiếc nuối cho khu dự án Usilk City, vì từng được tung hô là “Thành phố trong mơ mới của Hà Nội”, nay lại chịu cảnh hoang phế, quây hàng rào tôn xung quanh. “Đất ở Hà Nội ngày càng ít, đặc biệt là tại những vị trí trục đường lớn. Trong khi nhu cầu mua nhà để ở của người dân rất lớn, thì một dự án hàng nghìn tỉ đồng lại bị bỏ hoang, chậm tiến độ, khiến mỗi lần đi qua, những người dân chưa có nhà như tôi chỉ nhìn và ước được ở trong những căn hộ đó”, anh Tú nói.

Theo số liệu của UBND thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 6/2023, trên địa bàn Thành phố có tổng số 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai. Trong đó, có 135 dự án vốn ngoài ngân sách chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý.

Để xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND, Hội đông nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn. Đến nay, Hà Nội đã xử lý được 419 dự án chậm triển khai. Hiện còn 293 dự án cần xử lý trong thời gian tới. Trong đó, Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thực hiện 137 dự án; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 81 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện 11 dự án; Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thực hiện 17 dự án; 46 dự án giao các ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã… Mục tiêu của Thành phố là đến hết tháng 11/2023 cơ bản giải quyết xong 293 dự án. Hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện, hoặc cố tình chây ỳ sẽ kiên quyết hủy bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư.

Người dân bỏ tiền mua nhà, “không may” gặp các chủ đầu tư vì nhiều lý do hoặc không đủ năng lực dẫn đến triển khai dự án chậm, chưa thể triển khai dự án dẫn đến những hệ lụy rất lớn. Ngoài việc giải quyết dứt điểm thực trạng này, điều quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước hiện tại cần siết chặt năng lực chủ đầu tư để không xảy ra những sự cố trong tương lai.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích