Đồng chí Hoàng Đình Giong: Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Tượng đồng chí Hoàng Đình Giong tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được xây dựng tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng
Tượng đồng chí Hoàng Đình Giong tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, được xây dựng tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng. Là một học sinh thông minh, học giỏi, đồng chí Hoàng Đình Giong sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước. Từ những năm 1923 – 1924, đồng chí đã tham gia hoạt động bí mật, tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho học sinh Cao Bằng.

Từ năm 1925 – 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội) và tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh Hà Nội; tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh rồi bị đuổi học. Năm 1927, đồng chí ra nước ngoài hoạt động, năm 1928 được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được bầu làm Bí thư Chi bộ hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc. Đồng chí đã chỉ đạo tổ chức, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn; chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng ngày 1/4/1930 tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An.

Trong những năm 1932 – 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động ở Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp lãnh đạo khôi phục, phát triển tổ chức Đảng ở các địa phương. Năm 1935, đồng chí là trưởng Đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ tháng 2/1936, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, bị đầy đi biệt xứ ở đảo Ma-đa-ga-xca (châu Phi). Chịu nhiều cực hình tra tấn của thực dân, đồng chí Hoàng Đình Giong vẫn luôn giữ vững tinh thần, khí chất kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản.

Tháng 10/1944 thoát khỏi nhà tù thực dân, trở lại Cao Bằng, đồng chí tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, là Trưởng ban khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 ở Cao Bằng. Cách mạng thành công, đồng chí nhận nhiệm vụ chỉ huy đoàn quân Nam tiến chi viện cho chiến trường miền Nam; được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức với hàm nghĩa văn võ song toàn. Đồng chí trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9, Khu Bộ trưởng Khu 6.

Trên các cương vị công tác, đồng chí Hoàng Đình Giong đã góp phần tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Nam Bộ; xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đoàn kết dân tộc giữa đồng bào Việt – Khơ me, đoàn kết tôn giáo, làm thất bại âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo của thực dân Pháp. Đồng chí đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào Khơ-me, được đồng bào, yêu quý, kính phục, gọi thân mật là “Cụ Vũ” (tức cụ “Vũ Đức”). Năm 1947, đồng chí anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu tại tỉnh Ninh Thuận.

Dù ở cương vị nào, từ Chỉ huy Bộ đội Nam tiến, Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9, Khu 6, với bản lĩnh, trí tuệ sáng suốt, đồng chí Hoàng Đình Giong đều đề ra những chủ trương đấu tranh đúng đắn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao…, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, cùng với quân dân Nam Bộ đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.

Đồng chí Hoàng Đình Giong: Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Hoàng Đình Giong – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu)

Cuộc đời 43 năm của đồng chí tuy không dài nhưng đầy chiến công và tự hào. Đồng chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chỉ huy quân sự giàu bản lĩnh và kinh nghiệm, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã dựng Tượng đài, xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí tại làng Nà Toàn, phường Đề Thám (thành phố Cao Bằng). Trường Đảng của tỉnh Cao Bằng và một đường phố tại trung tâm thành phố Cao Bằng được đặt tên của đồng chí. Tại mặt trận Tân Hưng – Cà Mau là chiến trường ác liệt gắn liền với tên tuổi của Khu Bộ trưởng Vũ Đức cũng xây dựng bia tưởng niệm; tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Cà Mau dành một trong những đường phố to đẹp mang tên Hoàng Đình Giong.

Ghi nhận những công lao và cống hiến xuất sắc của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Hoàng Đình Giong mang hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí trở thành tấm gương sáng về ý chí cách mạng, lòng trung thành, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của cách mạng cho các thế hệ mai sau học tập, noi theo.

Tô Nhàn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích