Đón cơ hội để vươn mình
Từ “lương duyên” quá khứ…
Theo dòng chảy lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn, sau này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại Mỹ, Người đã có thời gian sinh sống và làm việc ở nhiều thành phố như: New York, Boston. Trong những năm tháng tại đây, với góc nhìn biện chứng, khách quan về Mỹ, Người thấu hiểu những giá trị tốt đẹp của nhân dân Mỹ với công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như những mặt trái của giai cấp tư sản Mỹ.
Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ sẽ là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn. Ảnh: Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. |
Năm 1941, sau khi trở về nước lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ. Dưới sự chỉ đạo của Người, Mặt trận Việt Minh đã liên hệ với Cơ quan Dịch vụ Chiến lược Hoa Kỳ (Office of Strategic Services – OSS, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ – CIA) để cùng chống phát-xít và nhận được nhiều sự hỗ trợ của tổ chức này trong giai đoạn trước năm 1945. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 17/10/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt – Mỹ thân hữu Hội đã được thành lập, được coi là hội hữu nghị song phương đầu tiên của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thông điệp, thư, điện đến Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, dành thời gian tiếp, trao đổi với các sĩ quan Mỹ ở Thủ đô Hà Nội để chuyển thành ý của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Chính phủ Mỹ.
Ngày 16/2/1946, trong thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. Song vì lý do của thời đại, hai nước đã trải qua cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm bởi sự can dự của Mỹ với tư tưởng đế quốc bá quyền cùng những tính toán cạnh tranh nước lớn.
… Đến nâng tầm quan hệ
Lịch sử cũng như cuộc đời, có tất cả cung bậc cảm xúc, song cũng như một cuốn sách. Chúng ta đọc rồi khép lại để mở ra trang mới. Chính vì thế, với phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì sự thịnh vượng của hai quốc gia, dân tộc, vì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 1995 hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao…
Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995; xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào ngày 25/7/2013 và ngày 10/9/2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. |
Để rồi, ngày 10 – 11/9/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden một lần nữa ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hai nước cũng như trên hành trình nỗ lực chung của hai quốc gia để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ hợp tác đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đó là giữa Thủ đô Hà Nội hai nước ra Tuyên bố chung nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Theo các chuyên gia, chuyến thăm không chỉ có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Tầm vóc mới của quan hệ hai nước sẽ xác lập khuôn khổ bền vững, ổn định, lâu dài và mở ra không gian cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.
Cơ hội bứt phá
Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với 6 quốc gia hàng đầu thế giới gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ là cơ hội lớn để đưa đất nước “vươn mình” phát triển trong một thế giới đầy biến động.
Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế trong các lĩnh vực về chính sách công, kinh tế đối ngoại, trong quan hệ ngoại giao quốc tế nói chung chia ra nhiều cấp độ. Với Việt Nam, cấp độ ngoại giao đầu tiên là quan hệ song phương; cấp cao hơn là toàn diện; tiếp đó là cấp đối tác toàn diện. Cuối cùng, cấp cao nhất là Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong năm 2023, việc Việt Nam – Hoa Kỳ nâng mức quan hệ ngoại giao lên hai cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện đủ thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ như thế nào. Đặc biệt, trên bình diện kinh tế, Mỹ cũng trở thành đối tác của Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… và quan trọng hơn sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về hợp tác kinh tế.
Giáo sư Hà Tôn Vinh phân tích, Việt Nam đã trải qua chặng đường gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu thu được ai cũng nhìn thấy, song nhìn lại sự phát triển thời gian qua vẫn phụ thuộc vào tài nguyên và gia công cho các đối tác nước ngoài từ nguồn FDI. Thế giới nay đã thay đổi, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghệ, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Ai làm chủ được những yếu tố này sẽ phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, Việt Nam là nước đứng thứ 2 về đất hiếm, loại đất phục vụ cho công nghiệp chất bán dẫn, trong Tuyên bố chung Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nhắc nhiều về nội dung này, đây là yếu tố rất quan trọng đưa Việt Nam tiến lên. Nếu hợp tác với Hoa Kỳ, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, có sản xuất và có cả thị trường tiêu thụ… nên tương lai không xa, Việt Nam sẽ thành “đại bản doanh” về công nghệ chíp bản dẫn. Đây chính là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng biến mục tiêu đất nước hùng cường thành hiện thực.
Nguồn: Báo lao động thủ đô